Bản tin thị trường hàng hóa

Giá đồng có thể giằng co do triển vọng tiêu thụ chưa rõ ràng tại Trung Quốc

Giá đồng giảm trong sáng nay, bất chấp tín hiệu tích cực từ phía Trung Quốc.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sáng nay đã hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) đối với cả hai kỳ hạn 1 năm và 5 năm lần đầu tiên sau 10 tháng, nhằm ổn định tăng trưởng và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Cụ thể, mức lãi suất LPR 1 năm giảm xuống còn 3,55% từ mức 3,65%, trong khi LPR 5 năm giảm còn 4,2% từ 4,3%.

Tuy nhiên, động thái giảm 10 điểm cơ bản đối với LPR 5 năm có thể gây thất vọng cho thị trường, vì trước đó, phần lớn nhà đầu tư đều kỳ vọng PBOC sẽ cắt giảm 15 điểm cơ bản đối với LPR 5 năm, một tham chiếu cho các khoản thế chấp, để hỗ trợ thị trường bất động sản yếu kém.

Có thể thấy, trong 1 tháng trở lại đây, kỳ vọng tiêu thụ phục hồi tại Trung Quốc đang là yếu tố dẫn dắt giúp giá đồng phục hồi từ mức đáy thấp nhất kể từ tháng 11/2022.

Do đó, việc Chính phủ Trung Quốc vẫn còn thận trọng trong việc ban hành các chính sách kích thích tăng trưởng có thể khiến giá đồng tiếp tục giằng co, cho tới khi nhu cầu tiêu thụ trở nên rõ rệt hơn, thay vì chỉ dừng ở mức kỳ vọng như hiện tại.

Bên cạnh đó, về yếu tố vĩ mô, thị trường sẽ đón nhận loạt phát biểu của các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) trong tuần này. Các nhà đầu tư sẽ thận trọng theo dõi các bình luận của các quan chức để có manh mối rõ ràng hơn về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong hôm nay, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Fed bang New York, John C. Williams, và Chủ tịch Fed St. Louis, ông James Bullard, sẽ có bài phát biểu.

Nếu các quan chức tiếp tục cho thấy động thái cứng rắn ủng hộ chính sách thắt chặt, triển vọng tiêu thụ đồng có thể tiếp tục bị lu mờ, bởi lo ngại chi phí đầu tư tăng cao khi đồng USD tăng trở lại. Hiện tại, phần lớn nhà đầu tư đều cho rằng Fed sẽ bắt đầu khởi động lại chiến dịch thắt chặt từ tháng sau, theo CME FedWatch.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)