Bản tin thị trường hàng hóa

Giá dầu có thể tăng nhờ lực đẩy kinh tế Trung Quốc, nhưng khó bứt phá

Giá dầu mở cửa phiên giao dịch sáng nay với biến động tương đối giằng co. Thị trường có thể sẽ trở nên sôi động hơn trong phiên chiều tối khi các nhà đầu tư quay trở lại sau ngày nghỉ Lễ đầu tuần.

Sáng nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm (1-year LPR) xuống còn 3,55% từ mức 3,65%; trong khi LPR kỳ hạn 5 năm (áp dụng đối với các khoản vay đầu tư dài hạn như vay mua nhà, các khoản thế chấp) hạ xuống còn 4,2% từ mức 4,3%. Mức cắt giảm LPR 5 năm thêm 10 điểm cơ bản thấp hơn kỳ vọng của thị trường, với dự đoán cắt giảm 15 điểm cơ bản.

Lãi suất LPR được áp dụng đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp… nên có tác động trực tiếp tới động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nỗ lực này có thể sẽ thúc đẩy giá dầu tiếp đà phục hồi, nhưng động thái còn thận trọng vẫn sẽ tạo ra rào cản khó giúp giá dầu bứt phá mạnh mẽ.

Mặc dù Trung Quốc trong những tháng gần đây liên tục nhập khẩu lượng lớn dầu thô, nhưng mức bổ sung vào tồn kho cũng lớn. Nhập khẩu dầu thô từ Nga của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 5, đạt 9,71 triệu tấn, tương đương với 1,73 triệu thùng/ngày, tăng 15,3% so với vùng kỳ năm ngoái và tăng 32,4% so với tháng 4.

Nhập khẩu dầu thô từ Mỹ cũng tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 2,22 triệu tấn do sự cạnh tranh hơn giá dầu khu vực Trung Đông, vốn chịu ảnh hưởng từ việc cắt giảm sản lượng. Nhu cầu nhập khẩu tích cực sẽ có tác động “bullish” tới giá dầu, nhưng theo ước tính, tổng cộng 1,77 triệu thùng mỗi ngày đã được bổ sung vào kho dự trữ trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 7/2020. Điều này cho thấy tiêu thụ nội địa vẫn còn yếu.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)