Bản tin thị trường hàng hóa
Giá đồng có thể tăng nhờ dấu hiệu tiêu thụ phục hồi
Thị trường đồng mở cửa với lực mua chiếm ưu thế, nhờ nhu cầu tiêu thụ cải thiện trong khi nguồn cung thu hẹp.
Cụ thể, dữ liệu từ Shanghai Metals Market (SMM) cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 2,56 triệu tấn quặng đồng và tinh quặng đồng vào tháng 5, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái và 21,6% so với tháng 4.
Hơn nữa, triển vọng tiêu thụ đồng trong lĩnh vực ô tô của Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, được củng cố trong bối cảnh doanh số bán xe dự kiến tiếp tục tăng. Theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA), doanh số bán xe chở khách của Trung Quốc vào tháng 6 năm nay dự tính đạt 1,83 triệu chiếc, tăng 5,2% so với tháng 5,.
Nhờ các chính sách hỗ trợ tiêu thụ xe ô tô của Chính phủ, ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc đang được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực trong năm nay. Điều này gián tiếp thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng đầu vào để sản xuất xe ô tô như đồng.
Trong khi tiêu thụ có dấu hiệu cải thiện thì lo ngại nguồn cung thu hẹp trong ngắn hạn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá. Lũ lụt tại Chile, nhà sản xuất đồng hàng đầu thế giới, khiến cho nhiều nhiều mỏ đồng phải tạm ngừng hoạt động và tình trạng lũ lụt được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài.
Hơn nữa, tồn kho đồng tại Sàn Giao dịch Thượng Hải đã giảm xuống 19.904 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022. Tồn kho đồng trên Sở Giao dịch London (LME) cũng giảm khoảng 20% kể từ mức 100.100 tấn đạt được vào đầu tháng 6, mức tồn kho hiện tại chỉ còn 80.100 tấn.
Tới phiên tối, loạt dữ liệu kinh tế của Mỹ bao gồm giấy phép xây dựng, doanh số bán nhà mới và niềm tin tiêu dùng dự kiến sẽ có tác động tới giá đồng. Nếu dữ liệu tích cực hơn so với dự báo, đây sẽ là tín hiệu “bullish” tới giá. Trái lại, nếu dữ liệu tiêu cực, lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng tại Mỹ có thể khiến giá đồng suy yếu trở lại.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)