Bản tin thị trường hàng hóa
Dữ liệu kinh tế kém sắc của Trung Quốc có thể tiếp tục gây sức ép tới giá đồng
Giá đồng nối dài đà giảm trong phiên sáng nay do chịu áp lực bởi kỳ vọng tiêu thụ kém tại Trung Quốc.
Dữ liệu Tổng cục thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố cho thấy lợi nhuận tại các công ty công nghiệp ở Trung Quốc tiếp tục lao dốc, phản ánh tác động tiêu cực của nhu cầu tiêu dùng hạ nhiệt và tình trạng giảm phát giá sản xuất kéo dài.
Cụ thể, mức lợi nhuận công nghiệp trong tháng 5 của Trung Quốc đã giảm 12,6% (YoY), giảm mạnh hơn đáng kể do với mức giảm 6,5% trong tháng 4, điều này tiếp tục cho thấy dấu hiệu nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm. Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 52% trong cơ cấu nhập khẩu đồng toàn cầu. Hơn nữa, mùa tiêu thụ cao điểm của đồng trong lĩnh vực xây dựng tại Trung Quốc đã kết thúc và đang bước vào giai đoạn tiêu thụ yếu theo truyền thống. Do đó, lo ngại nhu cầu kém sắc tại Trung Quốc có thể tiếp tục gây sức ép tới giá đồng trong phiên hôm nay.
Tuy vậy, yếu tố nguồn cung thu hẹp có thể giúp giá đồng hạn chế đà giảm mạnh.
Theo Reuters, tình trạng lũ lụt vẫn đang tiếp diễn tại Chile, quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới, và khiến nhiều mỏ đồng chưa thể khôi phục lại hoạt động khai thác.Trong khi đó, tổng tồn kho đồng trên cả 3 Sở Giao dịch lớn là LME, Thượng Hải và COMEX hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Về yếu tố vĩ mô, phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tối nay trong Hội thảo Diễn đàn Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tại Sintra dự báo cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định tới giá đồng.
Tại đây, Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde, đã phát biểu rằng lạm phát tại khu vực châu Âu có thể kéo dài trong một thời gian và điều này thúc đẩy ECB có thể tăng lãi suất thêm hai lần nữa vào tháng 7 và tháng 9.
Do đó, nếu Chủ tịch Fed Jerome Powell tiếp tục cho thấy quan điểm diều hâu, áp lực lãi suất cao có thể tiếp tục gây sức ép tới giá đồng trong phiên.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)