Bản tin thị trường hàng hóa

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa ngày giao dịch đầu tuần với diễn biến giá phân hóa  Tuy nhiên, lực mua có phần chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số hàng hóa  MXV-Index tiếp tục tăng nhẹ 0,41% lên 2.198 điểm.

Giá trị giao dịch toàn Sở sụt giảm mạnh, đạt trên 2.500 tỷ đồng cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước trong bối cảnh thị trường giằng co tìm kiếm xu hướng giá mới.

Giá dầu gặp áp lực trở lại

MXV cho biết, giá dầu giảm trở lại trong phiên giao dịch ngày 10/07 sau khi đạt mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua, khi rủi ro vĩ mô vẫn tạo ra sức ép đáng kể cho đà phục hồi của giá. Cụ thể, dầu thô WTI chốt phiên ở sát vùng 73 USD/thùng, giảm 1,18% so với giá của phiên trước đó. Dầu Brent giảm gần 1% xuống còn 77,69 USD/thùng. 

Lực bán chiếm ưu thế trên thị trường dầu thô ngay từ phiên mở cửa, sau khi quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới báo cáo dữ liệu lạm phát suy yếu trong tháng 6, phản ánh những khó khăn trong nỗ lực phục hồi kinh tế hậu thời kỳ đại dịch. 

Cụ thể, dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 6 giảm 0,2% so với tháng 5. Tỷ lệ lạm phát cơ bản, không bao gồm chi phí năng lượng và lương thực biến động, đã giảm tốc độ tăng từ 0,6% xuống chỉ còn 0,4% trong tháng 6.  

Đặc biệt, giá tại cổng các nhà máy, phản ánh thông qua chỉ số giá sản xuất (PPI) thậm chí còn giảm mạnh hơn ở mức đáng báo động 5,4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mức giảm 4,6% của tháng trước và vượt quá kỳ vọng chỉ giảm 5%. 

Lo ngại về lực cầu suy yếu cả trong và ngoài Trung Quốc, vốn được kỳ vọng là nhân tố đóng góp mạnh mẽ cho tăng trưởng toàn cầu, đã gây áp lực tới giá dầu trong phiên. 

Trong khi đó, tại Mỹ, một số các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát biểu vào tối ngày 10/07 cho thấy các thông điệp cứng rắn về chính sách thắt chặt tiền tệ, làm gia tăng rủi ro suy thoái kinh tế.  

Chủ tịch Fed bang San Francisco, bà Mary Daly cho biết có thể sẽ cần thêm 2 đợt tăng lãi suất nữa trong năm 2023 để hạ nhiệt lạm phát trước một thị trường lao động mạnh mẽ. Chủ tịch Fed Cleveland, Loretta Mester cũng phát đi tín hiệu sẽ cần tăng lãi suất nhiều hơn.  

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu từ Trung Quốc và các nước đang phát triển, kết hợp với việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+, có thể sẽ khiến thị trường thắt chặt trong nửa cuối năm bất chấp nền kinh tế toàn cầu trì trệ. 

Nguồn cung tích cực gây sức ép lên giá cà phê

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu cọ hồi phục mạnh mẽ trở lại trong phiên đầu tuần và đóng cửa với mức tăng 2,24%, trong bối cảnh tồn kho cuối tháng vừa rồi của Malaysia tiếp tục tăng, nhưng thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường.  

Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOB) cho biết, tồn kho dầu cọ cuối tháng 06 của nước này đạt 1,72 triệu tấn, tăng 1,9% so với một tháng trước. Tuy vậy, con số này thấp hơn so với mức 1,86 triệu tấn dự đoán của thị trường, cho thấy nguồn cung từ Malaysia bị thu hẹp hơn so với kỳ vọng.  

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của Malaysia được đẩy mạnh cũng góp phần hỗ trợ giá. Công ty giám định Amspec Agri cho biết, nước này đã xuất khẩu 326.569 tấn sản phẩm dầu cọ trong 10 ngày đầu tháng 07, tăng 18,7% so với cùng kỳ tháng trước. 

Ỏ chiều ngược lại, sau phiên bật tăng hơn 4% vào cuối tuần trước, giá Robusta mở đầu tuần này với mức giảm gần 2%. Tiến độ thu hoạch cà phê tích cực tại Brazil giúp nông dân nước này mạnh dạn hơn trong việc đẩy mạnh bán hàng, từ đó giảm bớt lo ngại khan hiếm nguồn cung trên thị trường.  

Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho biết, Brazil đã vận chuyển 34.485 bao cà phê Robusta loại 60kg trong 7 ngày đầu tháng 07, cao hơn so với mức 15.792 bao trong cùng kỳ tháng trước. 

Theo sát diễn biến giá Robusta, cà phê Arabica cũng giảm 0,65% so với tham chiếu. Sản lượng cà phê gia tăng trong tháng 06 tại Colombia góp phần gia tăng nguồn cung cho thị trường.  

FNC cho biết, Colombia đã sản xuất 956.000 bao cà phê Arabica đã rửa sạch loại 60kg trong tháng 6, tăng nhẹ 1% so với sản lượng cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 18,6% so với sản lượng tháng 05. Sản lượng gia tăng là tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.  

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ quay đầu giảm mạnh 600 – 700 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước được thu mua trong khoảng giá 65.700 – 66.100 đồng/kg.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)