Bản tin thị trường hàng hóa
Giá đồng có thể tăng nhờ kích thích từ Trung Quốc và áp lực vĩ mô giảm bớt
Sức mua chiếm ưu thế trên thị trường đồng ngay từ khi mở cửa, do Trung Quốc phát đi tín hiệu sẽ tăng cường viện trợ kinh tế.
Cụ thể, theo Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc, tờ báo chứng khoán hàng đầu của nước này, cho biết Trung Quốc dự kiến sẽ “đẩy nhanh” việc triển khai chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường bất động sản.
Trước đó vào thứ Hai, theo một tuyên bố chung của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Cơ quan quản lý tài chính quốc gia (NFRA), một số khoản nợ chưa thanh toán bao gồm các khoản tín dụng đến hạn trước năm 2024 sẽ được gia hạn trả nợ thêm một năm, nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản.
Động thái này có thể giúp khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp tại Trung Quốc, đồng thời, triển vọng nền kinh tế tích cực hơn sẽ giúp củng cố sức mua kim loại công nghiệp hàng đầu là đồng. Đây là sẽ yếu tố “bullish” tới giá đồng trong ngắn hạn, do tiêu thụ vẫn đang là yếu tố dẫn dắt cản trở đà tăng của giá đồng. Nếu tiêu thụ không có dấu hiệu phục hồi, giá đồng có thể tiếp tục gặp sức ép trong trung hạn.
Về yếu tố vĩ mô, áp lực lãi suất giảm bớt khiến đồng USD suy yếu cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng trong phiên.
Với những bình luận ôn hòa của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào hôm qua và dấu hiệu thị trường lao động Mỹ chậm lại, kỳ vọng Fed sắp tạm ngừng chu kỳ thắt chặt đang được củng cố và làm suy giảm sức mạnh của đồng USD, đồng tiền thống trị trong các giao dịch thương mại quốc tế.
Thị trường sẽ tiếp tục chờ đợi báo cáo lạm phát bao gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ được công bố vào thứ Tư, chỉ báo này sẽ cung cấp thêm manh mối về lộ trình tăng lãi suất tiếp theo của Fed.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)