Bản tin thị trường hàng hóa
Giá dầu có thể có nhịp hồi kỹ thuật trước khi tiếp tục động lực tăng
Giá dầu hiện tại đang di chuyển sát cạnh trên của kênh xu hướng tăng trong ngắn hạn và RSI khung H4 đang ở vùng quá mua. Mặc dù được hỗ trợ đáng kể bởi yếu tố cơ bản, với lo ngại tình trạng thâm hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay, nhưng với yếu tố kỹ thuật khá rủi ro, dầu thô có thể có nhịp điều chỉnh giảm trước khi lấy lại động lực tăng giá.
Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào tối qua cho thấy góc nhìn thâm hụt đáng kể trong nửa cuối năm nay, phần lớn do tác động cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia 1 triệu thùng/ngày kéo dài sang tháng 8.
EIA đã cắt giảm dự báo nguồn cung trong cả 4 quý năm nay, trong khi tăng nhẹ dự báo nhu cầu, khiến cho cán cân cung cầu trung bình năm 2023 ghi nhận mức thâm hụt khoảng 60.000 thùng/ngày, và đây là dự báo thâm hụt trung bình năm 2023 lần đầu tiên của EIA sau nhiều kỳ báo cáo thị trường ở mức thặng dư nhẹ. Trong đó, mức thâm hụt quý III dự báo lên tới khoảng 1 triệu thùng/ngày, cao hơn mức 200.000 thùng/ngày trong báo cáo tháng 6.
Hầu hết các loại dầu tại Saudi Arabia từ nặng, trung bình, nhẹ đều là dầu chua, vốn cần nhiều công đoạn tinh chế hơn. Với sản lượng cắt giảm, giá dầu chua tại Biển Bắc, Mỹ, và Canada đã tăng vọt khi các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ tăng mua. Các thương nhân cho biết giá dầu thô Johan Sverdrup chua trung bình ở Na Uy đã tăng lên mức cao kỷ lục 3,5 USD/thùng so với tiêu chuẩn Brent. Giá dầu Mars chua của Mỹ cũng được giao dịch cao hơn 2 USD/thùng so với dầu WTI, điều khá hiếm thấy trước đây.
Điều này khiến dầu thô Brent và WTI cũng trở nên cạnh tranh hơn, thúc đẩy đà tăng của giá.
Tuy nhiên, trong hôm nay, giá dầu cũng sẽ chịu ảnh hưởng mạnh từ 2 yếu tố, dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tháng 6, và báo cáo tồn kho dầu Mỹ hàng tuần của EIA.
Thị trường dự báo chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ tiếp tục hạ nhiệt từ mức 4% xuống còn 3,1% trong tháng này so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tuần trước, dữ liệu tiền lương vẫn cho thấy mức tăng trưởng khá mạnh, nên nhiều khả năng lạm phát Mỹ cao hơn kỳ vọng. Trong trường hợp này, giá dầu có thể gặp áp lực bởi lo ngại lãi suất tiếp tục tăng.
Yếu tố thứ 2 là dữ liệu tồn kho dầu thô Mỹ. Nếu như tồn kho tăng mạnh, đồng thuận với dữ liệu của Viện dầu khí Mỹ (API) rạng sáng nay, lực bán tạm thời cũng sẽ quay trở lại.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)