Bản tin thị trường hàng hóa

Ngành dệt may: Từ khó khăn đến cơ hội “vàng”

Ngành dệt may Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn chồng chất. Các đơn hàng xuất khẩu chuyển dịch sang thị trường Pakistan hay Ấn Độ trong bối cảnh lợi thế về chi phí không còn thuộc về nước ta. Tuy vậy, đây chính là thời điểm “vàng” để chúng ta nhìn sâu vấn đề và khắc phục những bất cập cốt lõi đang tồn đọng. 

Nghịch lý: Chi phí đầu vào thấp tạo áp lực lên hoạt động sản xuất

Từ cuối năm 2022 đến nay, giá bông khá ổn định, chủ yếu giằng co với biên độ nhỏ trong khoảng 1.800–1.900 USD/tấn. Theo Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá bông giao dịch trên Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE) tính đến hết ngày 18/07 ở mức 1.847 USD/tấn, giảm gần 1,5 lần so với mức giá cao gần 2.700 USD/tấn được ghi nhận hồi tháng 8 năm ngoái. 

Giá bông ổn định ở mức thấp xuất phát từ cả hai phía cung và cầu trên thị trường. Về phía cung, sản lượng bông dần hồi phục sau những tác động hạn hán tại vùng canh tác bông chính của Mỹ hồi giữa năm 2022. Trong khi đó, nhu cầu về bông hồi phục không như kỳ vọng của thị trường do kinh tế thế giới diễn biến ảm đạm. Đặc biệt, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu bông lớn nhất thế giới vẫn đang cho thấy tốc độ phục hồi chậm sau khi gỡ bỏ chính sách Không Covid, kéo theo hoạt động nhập khẩu bông cũng kém tích cực. 

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định “Kinh tế thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự phục hồi không như kỳ vọng của Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục là trở ngại lớn trong việc gia tăng nhu cầu đối với mặt hàng bông. Do đó, giá bông có thể duy trì xu thế giằng co trong khoảng thời gian tới.”

Giá bông ổn định vốn là điều tốt đối các quốc gia nhập khẩu bông lớn như Việt Nam. Tuy nhiên, giá giảm đột ngột từ mức cao xuống thấp và không có dấu hiệu hồi phục khiến cho các doanh nghiệp dệt may đã ôm hàng trước đó không kịp trở tay. Chênh lệch giá nguyên liệu đầu vào khiến khi phí chi phí cho sản xuất hàng dệt may còn ở mức cao so với các quốc gia không bị phụ thuộc quá lớn vào đầu vào như chúng ta, gây cản trở đến việc đón nhận các đơn đặt hàng. 

Không chỉ nguyên nhân trước mắt là giá nguyên liệu gây cản trở mà sự suy yếu trong xuất khẩu hàng dệt may còn xuất phát từ những yếu tố nội tại của việc sản xuất. 

Thay đổi động lực trong phát triển ngành dệt may

Thâm dụng lao động, nhân công giá rẻ, vốn là những cụ từ quen thuộc khi nhắc đến ngành dệt may của Việt Nam. Trong những năm trước, hai yếu tố trên vẫn luôn là lợi thế để ngành dệt may Việt Nam cạnh tranh với các đối thủ lớn như Bangladesh, Ấn Độ,.... Với lợi thế đó, dệt may trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam khi đóng góp trên 10% cho kim ngạch xuất khẩu hàng năm. 

Tuy vậy, trong vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của thị trường lao động, những lợi thế về nhân công giá rẻ của Việt Nam đang dần suy yếu. 

Tiền lương trung bình hàng tháng của công nhân ngành may mặc tại Việt Nam ở mức 300 USD, cao hơn mức trung bình 200 USD/người trên toàn cầu. Thậm chí, mức lương trong ngành dệt may tại Việt Nam đang cao gấp 3 lần mức lương 95 USD/người/tháng tại Bangladesh hay 145 USD/người/tháng tại Ấn Độ, các quốc gia đang trực tiếp cạnh tranh các đơn hàng may mặc với chúng ta. 

Tiền lương trong lĩnh vực dệt may tăng trưởng là tín hiệu tốt cho đời sống công nhân, cũng như thể hiện năng lực ngành. Tuy nhiên, giá nhân công không rẻ như trước cũng sẽ hạn chế phần nào năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Về mặt tích cực, đây lại là động lực cho ngành nâng cao công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm. 

Trong năm 2011, dân số từ 15 đến 64 tuổi chiếm 69% dân số Việt Nam, đến năm 2021, còn số này giảm xuống còn 67,5%. Dù Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng sự dồi dào trong nguồn cung lao động cũng đã hạn chế hơn giai đoạn trước. Điểm sáng là trình độ nhân công được cải thiện, song điều đó đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam cần chuyển đổi đa dạng hơn các lợi thế cạnh tranh khác, không chỉ còn tập trung vào nguồn lao động giá rẻ như trước.

Trong bối cảnh động lực cũ dần mất đi, điều cần thiết là tìm ra hướng đi, động lực mới để ngành dệt may Việt Nam nhanh chóng trở lại cuộc đua với các quốc gia cung ứng hàng dệt may lớn khác. 

Chuyển mình là hướng đi tất yếu cho phát triển bền vững 

Việc chuyển đổi sản xuất “xanh” để phù hợp với tiêu chuẩn mới từ các thị trường nhập khẩu lớn là điều tất yếu trong quá trình hướng tới sự phát triển bền vững của ngành dệt may. 

Theo tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF) - Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), khái niệm “xanh hóa” ngành dệt may mang ý nghĩa là ngành sẽ hoạt động theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm chất thải, loại bỏ các chất gây lo ngại và loại trừ phát sinh vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu hồi và tái sản xuất; hướng tới sử dụng nguồn nhiên liệu tái tạo. 

Thực tế, quá trình chuyển đổi “xanh” đã manh nha tại Việt Nam khoảng 5 năm trở lại đây. Tuy tiến trình thực hiện còn tương đối chậm so với một số đối thủ cạnh tranh và yêu cầu của đối tác thương mại, nhưng điều này thể hiện rõ nỗ lực theo đuổi các mục tiêu bền vững của nước ta. Do vậy, với động lực tất yếu cần nâng cao lợi thế cho ngành, trình độ nhân công cải thiện, hiện nay chính là thời điểm tốt nhất để chúng ta tập trung đẩy mạnh chuyển đổi. 

Song song với quá trình chuyển “xanh”, với đặc điểm là quốc gia phục thuộc gần 100% vào nguồn cung bông tự nhiên, việc lường trước những diễn biến giá nguyên liệu trên thế giới góp phần ổn định chi phí sản xuất, từ đó tạo nền tảng vững chắc để phát triển. 

“Chuyển đổi sản xuất để phù hợp nhu cầu thị trường là tất yếu, đi kèm với điều này, vẫn cần cải thiện những yếu tố sẵn có thể thúc đẩy quá trình phát triển. Để đạt được mục tiêu, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến công tác dự báo về tình hình giá bông trên thế giới để có những chiến lược bảo hiểm giá hợp lý, tăng tính ổn định và bền vững cho ngành công nghiệp xuất khẩu tỷ USD.”, Ông Quang Anh cho biết thêm. 

Như vậy, để ngành dệt may Việt Nam nhanh chóng trở lại đường đua xuất khẩu thì việc chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường là điều tất yếu. Bên cạnh đó, việc nâng cao công tác dự báo giá nguyên liệu đầu là chất xúc tác để quá trình chuyển đổi và phát triển của ngành dệt may Việt Nam diễn ra nhanh hơn. 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)