Bản tin thị trường hàng hóa
Giá dầu WTI có thể giảm điều chỉnh trước khi hướng tới vùng 80 USD
Giá dầu mở cửa với diễn biến tương đối giằng co sau khi lực mua mạnh mẽ trong phiên hôm qua đã đẩy giá vượt 79 USD/thùng. Việc giá tiến sát vùng khá “nhạy cảm” gần mức 80 USD/thùng có thể thúc đẩy các hoạt động chốt lời và giá nhiều khả năng sẽ giảm điều chỉnh chủ yếu do yếu tố kỹ thuật.
Theo Daan Struyven, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu mỏ tại Goldman Sachs cho biết giá dầu dự kiến sẽ tăng lên 86 USD/thùng vào cuối năm, từ mức 80 USD hiện nay, do nhu cầu dầu cao kỷ lục và nguồn cung giảm sẽ dẫn đến thâm hụt thị trường lớn.
Các dấu hiệu nguồn cung thu hẹp cũng đã dần xuất hiện. Xuất khẩu dầu thô của Nga trung bìn 4 tuần có dấu hiệu giảm, phù hợp với bối cảnh Nga đang chuẩn bị cắt giảm xuất khẩu dầu 500.000 thùng mỗi ngày (bpd) trong tháng 8. Kế hoạch vận chuyển cho đến nay cho thấy Nga có thể thực hiện ít nhất một phần cam kết giảm xuất khẩu dầu vào tháng tới.
Xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia cũng bắt đầu giảm xuống dưới 7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 , lần đầu tiên sau nhiều tháng. Báo cáo từ các tổ chức cũng cho thấy Saudi Arabia rất tuân thủ trong kế hoạch cắt giảm sản lượng. Do đó, các tín hiệu nguồn cung thu hẹp, gây ra thâm hụt vẫn sẽ là yếu tố chính thúc đẩy giá dầu.
Trong khi đó, sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng trưởng chậm cũng khiến nguồn hàng cạnh tranh hơn. Chuyên gia từ Goldman Sachs cũng dự đoán tăng trưởng nguồn cung dầu thô của Mỹ sẽ chậm lại đáng kể với tốc độ chỉ khoảng 200 thùng/ngày, góp phần vào mức thâm hụt khá lớn trong nửa cuối năm, với mức thâm hụt gần 2 triệu thùng/ngày trong quý III khi thời điểm tiêu thụ cũng tăng cao.
Rủi ro giá gặp áp lực chủ yếu sẽ liên quan tới các dữ liệu kinh tế có thể kém tích cực hơn so với giai đoạn trước trong bối cảnh chi phí vay tăng cao tại Mỹ và châu Âu, cùng những giọng điệu “diều hâu” từ Fed và ECB. Tuy nhiên, về tổng thể, đà suy yếu nhiều khả năng sẽ không kéo dài khi thị trường vẫn thiên về trạng thái thiếu cung.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)