Bản tin thị trường hàng hóa
Giá dầu có thể tiếp tục gặp áp lực chốt lời trước cuộc họp của OPEC+
Áp lực bán trên thị trường dầu thô tiếp tục kéo dài sang đầu phiên sáng nay, khi các nhà đầu tư thận trọng đóng vị thế trước cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
Nhập khẩu dầu thô của châu Á đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 7 do 2 khách hàng lớn nhất của khu vực nhập khẩu hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục mua một lượng lớn dầu giảm giá của Nga. Tổng cộng có 27,95 triệu thùng/ngày đã đến châu Á trong tháng 7, cao hơn mức 27,53 triệu thùng/ngày trong tháng 6.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt đẩy mức chiết khấu dầu Nga so với dầu Brent thu hẹp lại, dầu từ các nước Trung Đông đặc biệt là Saudi Arabia đắt đỏ hơn, các nước nhập khẩu hàng đầu như Trung Quốc hay Ấn Độ sẽ hạn chế việc nhập khẩu. Đặc biệt, Trung Quốc trong giai đoạn qua luôn tăng cường bổ sung dầu vào kho dự trữ khi nhập khẩu nhiều dầu giá rẻ, trong khi tiêu thụ trên thực tế được đánh giá là vẫn còn hạn chế.
Tuy nhiên, xét về yếu tố cơ bản trong trung hạn, rủi ro thâm hụt tiềm ẩn nhiều khả năng sẽ ngăn cản đà giảm quá sâu của giá dầu. Theo khảo sát của hãng tin Reuters, OPEC đã sản xuất 27,34 triệu thùng/ngày trong tháng này, giảm 840.000 thùng/ngày so với tháng 6 và là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.
Thị trường vẫn sẽ thận trọng với quyết định của Saudi Arabia trong cuộc họp vào ngày mai. Quốc gia này sẽ không mong muốn giá dầu giảm mạnh, nên trong trường hợp Saudi tiếp tục mục tiêu cắt giảm trong tháng 9, giá có thể sẽ tăng trở lại và tiến tới các vùng giá 85 USD/thùng đối với dầu WTI, trong trường hợp nền kinh tế Mỹ, Châu Âu hay Trung Quốc tiếp tục có tín hiệu tích cực.
Trên thực tế, đà tăng trong giai đoạn tới có thể chững lại khi mùa tiêu thụ cao điểm dần lắng xuống, khiến nhu cầu phù hợp hơn với nguồn cung.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)