Bản tin thị trường hàng hóa
Giá dầu có thể tiếp tục tăng bởi rủi ro nguồn cung gián đoạn
Giá dầu mở cửa phiên giao dịch với lực mua và bán tương đối giằng co. Tuy nhiên, nhiều khả năng đà tăng sẽ tiếp tục khi các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga phát tín hiệu tiếp tục thắt chặt nguồn cung trước thềm diễn ra cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
Việc Saudi Arabia cắt giảm thêm 1 triệu thùng dầu/ngày nhìn chung không gây quá nhiều sự bất ngờ cho thị trường khi mọi sự đồn đoán đã xuất hiện từ trước đó. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này sẽ làm sâu sắc hơn lo ngại về thâm hụt nguồn cung trong quý III, nhất là khi quốc gia tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc được kỳ vọng sẽ có các động thái hỗ trợ nền kinh tế.
Thêm vào đó, Nga cũng thông báo cắt giảm xuất khẩu thêm 300.000 thùng/ngày trong tháng 9. Các thông tin này vẫn sẽ là yếu tố “bullish” chính đối với giá dầu.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị leo thang quanh khu vực Biển Đen nhiều khả năng cũng sẽ hỗ trợ cho giá. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các máy bay không người lái trên biển của Ukraine đã tấn công một căn cứ hải quân Nga gần cảng Novorossiysk ở Biển Đen. Vụ tấn công đã khiến cảng Novorossiysk tạm thời dừng mọi hoạt động di chuyển của tàu.
Đây là một trong những cảng xuất khẩu dầu lớn của Nga, với trung bình khoảng 500.000 thùng/ngày, chủ yếu được gửi đến châu Á và khu vực Địa Trung Hải. Trong tuần cuối cùng của tháng 7, đã có khoảng 500.000 thùng/ngày rời khỏi cảng này.
Vì vậy, gián đoạn tạm thời tại khu vực này nhiều khả năng sẽ thúc đẩy đà tăng của giá dầu trong ngày hôm nay.
Về yếu tố vĩ mô, dữ liệu bảng lương phi nông tháng 7 của Mỹ công bố vào tối nay cũng sẽ tác động mạnh tới đồng USD và do đó, ảnh hưởng tới giá dầu được định giá bằng đồng USD.
Dữ liệu sớm của ADP cho thấy bảng lương phi nông, hay số người có việc ngoài ngành nông nghiệp rất tích cực trong tháng 7. Dữ liệu chính thức từ chính phủ nhiều khả năng cũng sẽ tích cực, tạo điều kiện cho đồng USD tăng giá, đồng thời khiến Fed có thể giữ lãi suất cao trong khoảng thời gian lâu hơn. Giá dầu có thể gặp áp lực bán nhẹ trong trường hợp này, nhưng nhìn chung, xu hướng chính vẫn là tăng giá bởi sự chi phối của yếu tố cung cầu.
Về mặt kỹ thuật, giá dầu thất bại trong việc phá vỡ vùng hỗ trợ 78,5 – 79 USD, quay đầu trở lại kênh tăng giá. Trên khung H4, giá vượt qua cạnh giữa dải Bollinger Band và vượt cạnh giữa của kênh tăng, được hỗ trợ bởi đường EMA50, có thể hướng tới mục tiêu tiếp theo ở vùng 83,20 USD.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)