Bản tin thị trường hàng hóa
Giá dầu có thể sẽ biến động giằng co quanh vùng kháng cự quan trọng
Giá dầu mở cửa phiên giao dịch sáng nay với áp lực bán chiếm ưu thế, sau khi chạm vùng kháng cự cứng trên 83 USD/thùng. Nhìn chung, giá dầu WTI chưa vượt qua mốc 83,5 USD/thùng kể từ tháng 11 năm ngoái, nên nhiều khả năng giá sẽ thận trọng dao động và điều chỉnh trước khi tiếp tục bứt phá lên các vùng giá mới.
Thị trường dường như vắng bóng các tin tức “bearish” đủ mạnh, trong khi các tin tức “bullish” đã được phản ánh một phần vào giá trước đó. Do đó, mặc dù động lực tăng bởi lo ngại thâm hụt nguồn cung vẫn còn, song yếu tố bất ngờ không quá nhiều cũng sẽ khiến đà tăng của giá dầu chậm lại.
Yếu tố chính hỗ trợ giá vẫn là sự sụt giảm nguồn cung tại Saudi Arabia và cam kết giảm xuất khẩu từ Nga. Điều này sẽ làm cho dầu thô Mỹ cạnh tranh hơn. Trong khi, về trung và dài hạn, sản lượng dầu thô của Mỹ có thể chậm lại khi các nhà khai thác vẫn đang thận trọng mở rộng nguồn cung.
Theo phân tích của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tỷ lệ khoan giảm 4 - 5 tháng sau khi giá kỳ hạn và tỷ lệ sản xuất giảm khoảng 12 tháng theo sau giá. Giá dầu đạt đỉnh vào giai đoạn nửa đầu năm ngoái, sau đó liên tục giảm trong suốt nửa cuối năm ngoái, và duy trì biến động đi ngang trong nửa đầu năm nay.
Số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động đạt mức trung bình cao nhất vào tháng 12/2022 và đã giảm hơn 14% xuống mức trung bình 534 vào tháng 7/2020. Nếu mô hình thông thường được duy trì, hoạt động khoan chậm lại sẽ khiến sản lượng giảm từ quý III năm 2023 và tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2024.
Sự kết hợp giữa tăng trưởng sản xuất chậm hơn của Mỹ, trong ngắn hạn cùng việc cắt giảm sản lượng sâu hơn và lâu hơn của OPEC+ sẽ dẫn đến cạn kiệt đáng kể hàng tồn kho, trong trường hợp sẽ tránh được một cuộc suy thoái.
Như vậy, trong trường hợp nền kinh tế Mỹ vẫn có cơ hội “hạ cánh mềm”, và Trung Quốc tích cực thúc đẩy nền kinh tế, giá dầu có thể sẽ tiếp tục có sự bứt phá trong trung hạn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)