Bản tin thị trường hàng hóa
Chỉ số hàng hoá MXV-Index quay đầu suy yếu
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa ngày 29/8, mặc dù lực mua chiếm ưu thế trên cả 3 nhóm mặt hàng năng lượng, kim loại và nguyên liệu công nghiệp nhưng thị trường nông sản giảm mạnh đã kéo chỉ số hàng hóa MXV-Index quay đầu suy yếu 0,03% xuống 2.281 điểm, kết thúc chuỗi tăng 4 ngày liên tiếp. Trong khi đó, giá trị giao dịch toàn sở cũng ghi nhận sụt giảm, đạt trên 4.4 tỷ đồng.
Thị trường nông sản “đỏ lửa”
Giá ngô hợp đồng tháng 12 quay đầu giảm mạnh trong ngày hôm qua và đóng cửa với mức giảm lên tới 1,91%. Mặc dù thời tiết thời gian gần đây tương đối bất lợi đối với sự phát triển của cây trồng, nhưng tình trạng vụ ngô của Mỹ không quá tiêu cực như thị trường kỳ vọng, do đó giá ngô đã chịu áp lực bán mạnh trong hôm qua.
Báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) hôm qua cho biết, khoảng 56% diện tích ngô của Mỹ đạt chất lượng tốt hoặc rất tốt trong tuần kết thúc ngày 27/8, giảm 2 điểm phần trăm so với một tuần trước đó. Tuy nhiên, con số trên vẫn cao hơn mức 55% dự đoán trung bình của thị trường đã cho thấy tình trạng mùa vụ tại Mỹ tốt hơn dự kiến. Đây là yếu tố gây áp lực lớn lên giá ngô.
Mặc dù dự báo thời tiết khô và nóng sẽ xuất hiện ở khu vực Midwest trong những ngày tới, nhưng các chuyên gia đánh giá tác động tới vụ ngô của Mỹ không đáng kể, do cây trồng đã qua giai đoạn phát triển năng suất quan trọng. Bên cạnh đó, sức ép cạnh tranh từ Brazil cũng là yếu tố gây sức ép đối với giá ngô trong hôm qua.
Trong báo cáo tuần này, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo nước này sẽ xuất khẩu 9,19 triệu tấn ngô trong tháng 8. Tuy giảm so với mức 9,39 triệu tấn ước tính trước đó, nhưng con số trên vẫn cao hơn đáng kể so với mức 6,89 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu quốc tế đối với nguồn cung dồi dào và rẻ từ Brazil tăng cao.
Giá lúa mì hợp đồng tháng 12 cũng ghi nhận phiên suy yếu thứ 4 liên tiếp sau khi khép lại phiên hôm qua với mức giảm 2,67%. Đà giảm của giá lúa mì là do giá ngô yếu cùng áp lực bán kỹ thuật của thị trường.
Theo dữ liệu từ báo cáo Crop Progress, khoảng 37% diện tích lúa mì xuân của Mỹ đạt chất lượng tốt hoặc cực tốt trong tuần kết thúc ngày 27/8, giảm 1 điểm phần trăm so với một tuần trước đó, tương đương với dự đoán trung bình của thị trường.
Thị trường kim loại đón nhận lực mua tích cực
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/8, sắc xanh áp đảo bảng giá thị trường kim loại. Với nhóm kim loại quý, giá bạc tăng mạnh nhất với mức tăng 2,2% lên 24,78 USD/ounce, giá bạch kim tăng 1,43% chốt phiên tại mức 986 USD/ounce. Giá vàng tăng lên mức 1.937 USD/ounce sau khi tăng 0,91%.
Dòng tiền đầu tư chảy mạnh vào thị trường kim loại quý do sự suy yếu của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đã đánh mất mốc 104 điểm sau khi dữ liệu chỉ ra nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cụ thể, theo kết quả khảo sát của Bộ Lao động Mỹ, cơ hội việc làm tại Mỹ giảm xuống còn 8,827 triệu trong tháng 7, thấp hơn 638.000 so với dự báo, và là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Ngoài ra, tỷ lệ cơ hội việc làm giảm xuống 5,3% trong tháng 7 từ mức 5,5% trong tháng 6.
Trong khi đó, khảo sát từ Conference Board cho thấy niềm tin của người tiêu dùng ở Mỹ đã giảm xuống 106,1 trong tháng 8, thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng là 116.
Do đó, với dấu hiệu thị trường lao động hạ nhiệt, trong khi niềm tin người tiêu dùng suy yếu trước áp lực lãi suất cao, những điều này làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Theo đó, đồng USD suy yếu với chỉ số Dollar Index giảm 0,51% xuống 103,53 điểm. Giá bạc và bạch kim được hưởng lợi nhờ chi phí đầu tư “hạ nhiệt”.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX trải qua phiên biến động khá mạnh, sau khi Bộ trưởng Tài chính và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường nền kinh tế thông qua hỗ trợ tài khóa và tăng tốc chi tiêu Chính phủ để tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, giá dần suy yếu do các biện pháp kích thích kinh tế hiện tại của Trung Quốc chỉ mang tính trấn an tâm lý nhà đầu tư, trên thực tế, cần một thời gian để các chính sách này phát huy hiệu quả.
Tới phiên tối, giá đồng bật tăng mạnh trở lại do đồng USD suy yếu sau khi dữ liệu lao động và niềm tin tiêu dùng của Mỹ được công bố. Mức tăng mạnh này đã giúp giá đồng phục hồi 1,03% lên 3,79 USD/pound sau 3 phiên giảm liên tiếp.
Trên thị trường quặng sắt, giá giảm hai phiên liên tiếp khi giảm 0,08% xuống 112,18 USD/tấn. Sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực tiêu thụ sắt thép nhiều nhất tại Trung Quốc, vẫn đang là lực cản lớn đối với đà tăng của giá sắt.
Theo dữ liệu của China Index Academy, doanh số bán nhà của Trung Quốc tại 50 thành phố lớn trong hai tuần đầu tháng 8 đã giảm 16,2% so với cùng kỳ tháng trước và 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá nhà ở tư nhân tại Hồng Kông tiếp đà giảm tháng thứ ba liên tiếp khi hạ 1,12% trong tháng 7 (MoM).
Ngoài ra, biên lợi nhuận thép giảm cũng đóng vai trò là lực cản đối với tiêu thụ sắt. Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã chịu tổn thất nghiêm trọng trong 7 tháng đầu năm với lợi nhuận sản xuất giảm 91% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)