Bản tin thị trường hàng hóa

Đà giảm có khả năng sẽ được đẩy mạnh trên thị trường đậu tương phiên hôm nay

Bắt đầu phiên giao dịch ngày 30/08, giá đậu tương vẫn đang diễn biến tương đối giằng co với biên độ hẹp. Tuy nhiên, trong bối cảnh những lo ngại về mùa vụ tại Mỹ đã phản ánh vào giá và tác động có phần hạn chế kể từ phiên hôm trước, chúng tôi cho rằng lực bán sẽ chiếm phần ưu thế hơn trong phiên hôm nay với sức ép chính đến từ việc mở rộng diện tích gieo trồng tại Mỹ.

Cuộc khảo sát của tạp chí Farm Future về dự định trồng trọt của nông dân Mỹ thu hút 985 phản hồi qua email từ các nhà sản xuất tại Mỹ từ ngày 15/07 – 01/08. Kết quả cho thấy nông dân sẽ gia tăng hoạt động trồng đậu tương cho vụ thu hoạch năm 2024. Cụ thể, diện tích trồng đậu tương năm 2024 của quốc gia này được dự báo sẽ đạt 85,402 triệu mẫu, tăng 2,3% so với mức 83,505 triệu mẫu ước tính của USDA cho vụ thu hoạch năm 2023.

Với năng suất được dự báo sẽ đạt 52 giạ/mẫu, Farm Future ước tính sản lượng vụ đậu tương có thể đạt 4,390 triệu giạ, cao hơn nhiều so với con số 4,205 triệu giạ trong báo cáo Cung – cầu tháng 8. Như vậy, triển vọng về nguồn cung tại Mỹ lạc quan hơn sẽ gây tác động “bearish” đến giá trong phiên hôm nay.

Đối với nguồn cung tại Nam Mỹ, thị trường xuất khẩu vẫn còn chịu nhiều áp lực cạnh tranh đến từ nhà sản xuất và xuất khẩu lớn như Brazil. Trong báo cáo tuần này, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo nước này sẽ xuất khẩu 7,37 triệu tấn đậu tương trong tháng 08, giảm so với mức 7,58 triệu tấn ước tính tuần trước, nhưng vẫn cao hơn mức 5,05 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

Thêm nữa là, các lô hàng khô đậu tương xuất khẩu của Brazil trong tháng 08 được ANEC dự báo ở mức 1,93 triệu tấn, cao hơn nhiều so với mức 1,69 triệu tấn của năm 2022. Nhìn chung, Brazil vẫn đang trong xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực từ giờ đến cuối năm. Điều này sẽ tiếp tục là yếu tố gây sức ép lên giá trên sàn CBOT trong trung hạn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)