Bản tin thị trường hàng hóa
Giá kim loại quý có thể giằng co trước thềm công bố loạt dữ liệu quan trọng của Mỹ
Thị trường kim loại quý tiếp tục gặp áp lực trong phiên sáng khi các nhà đầu tư vẫn đang đánh giá tác động của báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 từ Mỹ. Dữ liệu củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lãi suất ở mức hiện tại trong cuộc họp tháng 9, làm giảm sức hấp dẫn của tài sản tài chính không sinh lời như kim loại quý.
Vào tối nay, thị trường sẽ đón nhận một loạt các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, bao gồm chỉ số giá sản xuất (PPI) và doanh số bán lẻ tháng 8.
Với việc hoạt động sản xuất tại Mỹ tiếp tục thu hẹp trong tháng 8, theo dữ liệu từ S&P Global và Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) công bố vào đầu tháng 9 cho biết, nhiều khả năng PPI tháng 8 của Mỹ sẽ hạ nhiệt. Ngoài ra, việc chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ suy yếu trong tháng 8 do áp lực từ môi trường lãi suất cao làm tăng chi chí vay cũng có thể khiến doanh số bán lẻ suy giảm. Nền kinh tế hạ nhiệt sẽ thúc đẩy kỳ vọng Fed sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Đồng USD sẽ gặp áp lực và khiến giá kim loại quý được hưởng lợi.
Ngoài ra, quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng có thể sẽ chi phối đáng kể đến xu hướng biến động của đồng USD, gián tiếp ảnh hưởng đến giá kim loại quý. Trước đó vào đầu tháng 9, phần lớn các chuyên gia kinh tế đều kỳ vọng ECB sẽ giữ lãi suất ổn định tại cuộc họp tuần này.
Tuy nhiên, trước những báo cáo cho rằng ECB dự báo lạm phát tại khu vực đồng Euro (Eurozone) sẽ ở mức trên 3% trong năm 2024, đặc biệt là trong bối cảnh đồng euro bắt đầu mất ổn định, điều này có thể gây thêm áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương.
Nếu ECB tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất, đồng euro sẽ được hưởng lợi, gây áp lực lên đồng USD và từ đó hỗ trợ giá kim loại quý.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)