Bản tin thị trường hàng hóa

Giá kim loại quý có thể giằng co đi ngang trong bối cảnh thiếu vắng chất xúc tác

Thị trường kim loại quý chịu nhiều sức ép trong phiên sáng do đồng USD phục hồi làm tăng chi phí nắm giữ so với các đồng tiền thương mại khác.

Tâm lý thị trường nhìn chung vẫn khá thận trọng khi các nhà đầu tư dồn sự chú ý đến quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Gần như toàn bộ thị trường đều kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất ổn định trong cuộc họp tuần này. Do vậy, nếu Fed ngừng tăng lãi suất, thị trường có thể sẽ không biến động nhiều. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là phát biểu của Chủ tịch Fed, Jerome Powell, và các quan chức trong cuộc họp báo của Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), sẽ cung cấp manh mối về kế hoạch tăng lãi suất của Fed trong tương lai.

Vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý tiếp tục được thúc đẩy trong bối cảnh tình hình đình công tại Mỹ ngày càng leo thang. Liên đoàn United Auto Workers (UAW) cho biết sẽ có thêm nhiều nhà máy phải đối mặt với tình trạng đình công nếu như cuộc đàm phán giữa các bên đến ngày 22/9 vẫn không có sự tiến triển nào. Các nhà máy sản xuất xe bán tải có lợi nhuận cao hơn như F-150 của Ford, Chevy Silverado của GM và Ram của Stellantis có thể sẽ là mục tiêu đình công tiếp theo, các nhà phân tích cho biết.

Ngoài ra, việc nhà phát triển bất động sản Sunac của Trung Quốc nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại New York theo chương 15 của Bộ luật Mỹ, đã làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Bên cạnh đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của khu vực đồng euro (Eurozone) công bố vào chiều nay cũng có thể gián tiếp ảnh hưởng đến xu hướng biến động của giá kim loại quý. Nếu CPI cao hơn so với dự báo, cho thấy áp lực lạm phát tại Eurozone vẫn đang duy trì ở mức cao, điều này sẽ tạo thêm không gian để Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tăng lãi suất lần thứ 11 trong kỳ họp tới. Đồng euro sẽ được hưởng lợi, gây áp lực lên đồng USD, từ đó hỗ trợ giá kim loại quý.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)