Bản tin thị trường hàng hóa

Giá đậu tương có thể giảm xuống dưới 1300 nếu dữ liệu trong báo cáo Export Sales tiêu cực

Sau nhịp hồi phục trong 2 phiên trước đó, giá đậu tương hợp đồng tháng 11 quay trở lại xu hướng giảm. Như chúng tôi đã phân tích hôm qua, hiện triển vọng nguồn cung từ Brazil vẫn đang rất khả quan cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn, do đó sức ép đối với giá đậu tương sẽ rất lớn. Do đó, số liệu bán hàng đậu tương vụ mới của Mỹ trong báo cáo Bán hàng xuất khẩu (Export Sales) tối nay sẽ cần phải cải thiện đáng kể để có thể ngăn giá đậu tương giảm về dưới vùng 1300.

Hải quan Trung Quốc cho biết, nước này nhập khẩu 9,36 triệu tấn đậu tương trong tháng 08, với 9,09 triệu tấn có nguồn gốc từ Brazil, trong khi chỉ có 120.071 tấn có nguồn gốc từ Mỹ. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng đậu tương Trung Quốc nhập khẩu từ Brazil tăng 45%, ngược lại các lô hàng hạt có dầu từ Mỹ giảm tới 58%.

Những số liệu trên phản ánh sự dịch chuyển đáng kể trong nhu cầu nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc từ Mỹ sang Brazil, chủ yếu do nguồn cung từ Nam Mỹ có giá hấp dẫn hơn nhờ vụ mùa bội thu. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang đạt được những bước tiến trong kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ. Đây sẽ là yếu tố “bearish” mạnh đối với giá đậu tương CBOT không chỉ trong hôm nay, mà còn trong cả dài hạn.

Đối với báo cáo Export Sales tối nay, thị trường dự đoán khối lượng bán hàng đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ trong tuần 08/09-14/09 sẽ nằm trong khoảng 550.000-1.200.000 tấn, so với mức 703.862 tấn được ghi nhận một tuần trước đó. Trong giai đoạn 08-14/09, chỉ xuất hiện duy nhất một đơn hàng đậu tương lớn được bán cho Trung Quốc, với khối lượng 121.000 tấn.

Do đó, vẫn có nhiều khả năng số liệu bán đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ trong tuần đánh giá sẽ thấp hơn so với tuần trước đó, thậm chí là nằm dưới khoảng dự đoán của thị trường. Nếu kịch bản này xảy ra, giá đậu tương có thể giảm mạnh và phá vỡ vùng hỗ trợ 1290-1300.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)