Bản tin thị trường hàng hóa
Giá Arabica khó có thể bật tăng khi nguồn cung tích cực tại Brazil
Kết thúc tuần giao dịch 2/10-8/10, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục suy yếu trước áp lực nguồn cung. Brazil đã xuất khẩu 177.685 tấn cà phê nhân (2,69 triệu bao loại 60kg) trong tháng 9, tăng 10,5% so với mức 169.678 tấn trong cùng kỳ năm 2022, dữ liệu từ chính phủ nước này. Đồng thời, tỷ giá USD/Brazil Real tiếp tục tăng thêm hơn 2%, giúp kích thích nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil do thu về nhiều nội tệ hơn.
Thông tin cơ bản về tình hình nguồn cung cà phê tại Brazil cả trong niên vụ 2023/24 và 2024/25 đều trong hướng tích cực.
Theo thống kê sơ bộ trong 6 ngày đầu tháng 10 của Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), Brazil đã xuất 869.116 bao cà phê loại 60kg, tăng 30% so với mức 666.533 bao trong cùng kỳ tháng trước. Trong đó, Arabica dạng hạt tiếp tục là dòng cà phê được đẩy mạnh với 759.355 bao đã xuất khẩu trong thời gian này, tăng % so với mức 512.161 bao vào 6 ngày đầu tháng 9.
Đối với mùa vụ cà phê 2024/25, thời tiết đang chuyển biến tích cực hơn đối với sự phát triển của cây cà phê tại vùng canh tác chính của Brazil. Mưa trở lại giúp cung cấp độ ẩm cho đất, kết hợp với nhiệt độ dịu dần trong khung thời gian 10 ngày tới.
Đồng thời, trên Sở Giao dịch liên lục địa New York (ICE-EU), toàn bộ số cà phê chờ phân loại để bổ sung vào kho dự trữ đạt chuẩn đều đang đến từ Brazil. Do vậy, việc nguồn cung tích cực tại quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới cũng là nền tảng để hỗ trợ dữ liệu tồn kho nói riêng và nguồn cung trên thị trường nói chung.
Đặc biệt, chiến sự xảy ra giữa Hamas và Israel khiến lo ngại lạm phát cao bùng phát lần nữa. Điều này có thể khiến các Ngân hàng Trung ương “trung thành” với chính sách tiền tệ thắt chặt thông qua việc giữ lãi suất ở mức cao. Lãi suất cao, đặc biệt tại các thị trường nhập khẩu cà phê chính như Mỹ và EU sẽ kích thích nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)