Bản tin thị trường hàng hóa

Giá dầu có thể điều chỉnh giảm khi tâm lý thị trường ổn định trở lại

Phiên đầu tuần, giá dầu đã bật tăng hơn 4% do lo ngại rủi ro từ cuộc xung đột quân sự giữa Israel và nhóm Hồi giáo Hamas. Cuộc xung đột này ảnh hưởng đến nguồn cung dầu từ Trung Đông.

Đà tăng mạnh của giá dầu chủ yếu tới từ tâm lý thị trường hơn là yếu tố cung cầu thông thường, do cả Israel và Palestine đều không phải là quốc gia sản xuất dầu lớn. Tuy nhiên, nguồn cung dầu cũng đối diện với rủi ro lớn trong trường hợp xung đột gia tăng, kéo theo nhiều thành phần trong khu vực.

Lo ngại nguồn cung sẽ bị gián đoạn khi xung đột leo thang, tình hình diễn biến phức tạp có thể làm chệch hướng những nỗ lực của Mỹ nhằm hòa giải mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel. Cụ thể Saudi Arabia sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel để đổi lấy một thỏa thuận quốc phòng giữa Washington và Riyadh.

Hiện tại, Iran đã phủ nhận có liên quan đến các vụ tấn công ở Israel và cho biết sẽ đóng cửa eo biển Hormuz nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt lên Tehran.

Những diễn biến trên có thể chỉ là phản ứng trong ngắn hạn và đã được phản ảnh vào giá trong phiên hôm qua. Cho đến hiện tại các lo ngại leo thang xung đột vẫn chưa diễn ra do đó tâm lý thị trường đã có những thay đổi và đang thận trọng hơn.

Trong khi đó, tuần này sẽ diễn ra rất nhiều tin tức quan trọng có tác động mạnh đến giá dầu và hoàn toàn có thể khiến thị trường biến động bất ngờ.

Cụ thể, thị trường sẽ theo dõi sát số liệu lạm phát của Mỹ được công bố vào thứ 5, bên cạnh đó là các báo cáo nguồn cung và nhu cầu của OPEC, IEA vào ngày 11 và 12 tháng 10 này.

Như vậy tâm lý thị trường hiện tại sẽ tương đối thận trọng và hoàn toàn có thể có những diễn biến bất ngờ nếu nằm ngoài dự đoán của thị trường.

Đánh giá chung, giá dầu đang chững lại ở thời điểm tương đối nhạy cảm và giá hoàn toàn có thể sẽ chưa thể tăng mạnh khi các tin tức hỗ trợ đã được phản ảnh vào thị trường hiện tại. Trong khi đó, với áp lực đóng vị thế mua trước các tin tức quan trọng rất có thể sẽ khiến giá dầu hạ nhiệt và điều chỉnh giảm trở lại.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)