Bản tin thị trường hàng hóa

Giá dầu có thể biến động đi ngang trước báo cáo quan trọng hôm nay

Duy trì được mức giá cao so với phiên thứ Hai, thời điểm thị trường đang trong giai đoạn lo ngại rủi ro cao nhất khi xung đột diễn ra ở Israel. Tuy nhiên, sau đó thị trường đã ổn định trở lại khi các nguồn tin cho biết các vấn đề căng thẳng sẽ không leo thang thành xung đột toàn khu vực Trung Đông, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

Mặc dù vậy, giá dầu vẫn được neo cao do các lo ngại rủi ro vẫn còn và thị trường vẫn thận trọng trước khi báo cáo của EIA được công bố tối nay. Cùng với đó là số liệu lạm phát Mỹ, báo cáo hàng tháng của OPEC được công bố vào tối ngày 12/10.

Theo khảo sát mới nhất của Platts thuộc S&P Global Commodity Insights, sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã tăng thêm 330.000 thùng/ngày lên 40,85 triệu thùng/ngày trong tháng 9, mức tăng hàng tháng thứ 2 liên tiếp. Nguyên nhân là do sản lượng tăng ở Nigeria, Iran và Kazakhstan bù đắp mức cắt giảm của Saudi Arabia và Nga, góp phần hạ nhiệt giá dầu.

Về phía nguồn cung từ Nga, xuất khẩu dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cực thấp (ULSD) từ cảng Primorsk của Nga trên Biển Baltic dự kiến ​​sẽ tăng trong tháng 10 lên 0,7 triệu tấn từ 0,21 triệu tấn theo kế hoạch trước đó.

Mối lo về nguồn cung đã phần nào được xoa dịu, điều này đã được phản ảnh vào giá trong tuần trước đó. Do đó, các yếu tố về mặt vĩ mô vẫn cho thấy sẽ hỗ trợ giá dầu hạ nhiệt giảm.

Nếu yếu tố khiến giá tăng bất ngờ vào phiên đầu tuần lắng xuống thì rất có thể giá dầu sẽ tiếp tục xu hướng giảm. Tuy nhiê, trước các thông tin quan trọng hôm nay và ngày mai thì tâm lý thận trọng vẫn sẽ được duy trì.

Đồng USD mạnh lên sẽ gây áp lực lên giá dầu vì lúc này dầu sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với những quốc gia nhập khẩu và làm giảm nhu cầu dầu thô.

Nguyên nhân đồng USD và dầu cùng tăng cao hơn là do Mỹ đã tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát trong khi các nhà sản xuất dầu hàng đầu của OPEC+ là Ả Rập Saudi và Nga đã tự nguyện cắt giảm sản lượng ngoài thỏa thuận của OPEC+.

Cuối cùng, áp lực bán chốt lời còn được củng cố bởi việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong năm 2024 và tăng dự báo lạm phát toàn cầu, đồng thời kêu gọi duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát giá cả và lãi suất cao, có thể gây áp lực lên giá dầu.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)