Bản tin thị trường hàng hóa
Giá dầu có thể giảm trước áp lực đóng trạng thái cuối tuần
Giá dầu tiếp diễn xu hướng tăng khi lo ngại xung đột tại khu vực Trung Đông đang có nguy cơ lan rộng hơn. Nguồn tin từ Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết quân đội đã tập trung tại biên giới Gaza, cho thấy một cuộc đổ bộ nhằm mục đích tiêu diệt Hamas có thể sắp xảy ra.
Trong khi đó, OPEC+ cho biết việc nới lỏng lệnh trừng phạt dầu mỏ của Mỹ đối với Venezuela sẽ không có tác động nhiều đến nguồn cung dầu của thế giới hiện tại, bởi quá trình phục hồi sản xuất của Venezuela sẽ diễn ra chậm hơn và không thể khiến OPEC+ thay đổi chính sách.
Cũng trong phiên hôm qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói rằng ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ "tiến hành thận trọng" việc tăng lãi suất trong tương lai, điều này có thể làm chậm nền kinh tế và làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Với các phát biểu trên, thị trường đã ngầm hiểu Fed sẽ không cần vội vàng tăng lãi suất trong bối cảnh các căng thẳng vẫn leo thang. Các quyết định tăng lãi suất bây giờ có thể không cần thiết bởi nếu lãi suất cao hơn sẽ có thể gây ra nhiều hệ lụy lớn hơn cho nền kinh tế.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi dự báo thâm hụt ngày càng lớn trong quý 4 sau khi các nhà sản xuất hàng đầu Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung đến cuối năm và trong bối cảnh tồn kho thấp khi nhu cầu vẫn tăng cao.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có kế hoạch sẽ mua 6 triệu thùng dầu thô để bổ sung vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) trong tháng 12/2023 và tháng 1/2024. Bộ Năng lượng Mỹ kỳ vọng sẽ ký được hợp đồng mua dầu với giá 79 USD/thùng hoặc thấp hơn. Động thái này của Mỹ có thể củng cố lực mua trên thị trường, hỗ trợ giá dầu tăng.
Dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung đã bắt đầu được thể hiện khi dầu dự trữ đã giảm xuống, gây áp lực lên việc phải bổ sung gấp để bù đắp các khoản thiếu hụt này.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)