Bản tin thị trường hàng hóa

Bản tin TCKD ngày 30/10/2023: Giá dầu tiếp đà giảm sau khi mở cửa phiên đầu tuần

Kết thúc tuần từ 23 – 27/10, thị trường hàng hóa thế giới có sự phân hóa rõ rệt ở các nhóm mặt hàng quan trọng. Nhóm kim loại và nguyên liệu công nghiệp phần lớn đều tăng giá; trong khi nhóm các mặt hàng nông sản và năng lượng đang chịu áp lực bán khá lớn.

Chỉ số MXV-Index đóng cửa tuần giảm 0,5% xuống còn 2.249 điểm. Tuy nhiên, do đặc điểm có thể giao dịch cả 2 chiều mua và bán trên thị trường hàng hóa phái sinh, giá trị giao dịch tại MXV đã tăng 10% so với tuần trước đó, đạt trung bình 4.700 tỷ đồng mỗi phiên.

Mặc dù không phải mặt hàng biến động quá mạnh trong tuần qua, nhưng giá dầu vẫn đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Chính diễn biến giằng co của giá dầu đang giúp dòng tiền đầu tư vào nhóm năng lượng tại Việt Nam tăng mạnh, đạt trung bình hơn 1.600 tỷ đồng mỗi ngày trong tuần vừa qua.

Đóng cửa tuần, giá dầu WTI trên sở NYMEX giảm 2,9% xuống còn 85,54 USD/thùng và giá dầu Brent trên sở ICE giảm 1,8% xuống còn 90,5 USD/thùng. Đáng chú ý, mặt hàng dầu ít lưu huỳnh giảm mạnh gần 6%, chỉ còn 878 USD/tấn.

Bên cạnh việc tồn kho dầu thô tại Mỹ bất ngờ tăng thêm 1,3 triệu thùng, trái ngược với các dự báo; thì theo đánh giá của MXV, giá dầu đang chịu áp lực bởi các số liệu mới về kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, hoạt động kinh doanh tại khu vực Liên minh Châu Âu (EU) đã tiếp tục thu hẹp trong tháng 10. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) do S&P Global khảo sát đạt mức 46,5 điểm, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 47,4 điểm. Đây là tháng thứ năm liên tiếp chỉ số này nằm dưới ngưỡng 50 điểm, và là mức thấp nhất từ tháng 11/2020, phản ánh sự thu hẹp trong hoạt động kinh doanh sản xuất của khu vực. 

Còn tại Mỹ, các dữ liệu cho thấy nền kinh tế trong quý III đã có sự tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm. Tuy nhiên, điều này lại làm tăng kỳ vọng rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ duy trì mức lãi suất cao lâu hơn. Và điều này, vô hình chung đã giúp chỉ số Dollar Index tăng gần 0,4% trong tuần vừa qua. Mỗi khi đồng Dollar mạnh lên, giá dầu sẽ là một trong những mặt hàng chịu áp lực bán đầu tiên.

Mở cửa phiên sáng nay, giá dầu tiếp tục giảm khá mạnh, có thời điểm giá dầu WTI đã xuống vùng 83,7 USD/thùng, trước khi hồi phục vào cuối buổi sáng.

Các diễn biến mới về cuộc xung đột ở dải Gaza chưa có dấu hiệu ảnh hưởng và gián đoạn đến nguồn cung dầu thô của khu vực. Chính điều này đang khiến các tâm lý lo ngại trước đó giảm bớt và gây áp lực đến giá dầu trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn đưa ra khuyến nghị các nhà đầu tư cần thận trọng và theo sát các diễn biến của cuộc xung đột này. Bất kỳ dấu hiệu nào leo thang hoặc lan rộng của xung đột, cũng tiềm ẩn nguy cơ đẩy giá dầu lên rất cao, tiệm cận vùng 100 USD/thùng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)