Bản tin thị trường hàng hóa
Giá dầu có thể giằng co tại vùng hỗ trợ tâm lý 80 USD/thùng
Giá dầu nhận được lực mua tích cực trong phiên sáng do đồng USD nối dài đà giảm sau quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% - 5,50% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và động thái “ôn hòa” của các quan chức về lộ trình chính sách trong tương lai.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt nguồn cung đã giảm bớt và nhu cầu tiêu thụ yếu vẫn đang là các chất xúc tác chính lên giá, giá dầu vẫn có thể gặp áp lực.
Khảo sát của Bloomberg cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã bơm trung bình 28,08 triệu thùng/ngày trong tháng 10, tăng khoảng 50.000 thùng/ngày so với tháng trước. Sự gia tăng sản lượng ở Nigeria, Congo, Gabon, Angola và Equatorial Guinea, đã bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung từ Iran, Iraq, Kuwait và Libya.
Về phía nhu cầu, hoạt động sản xuất tại Mỹ và Trung Quốc thu hẹp trong tháng 10 đã làm tăng thêm mối lo ngại nhu cầu tiêu thụ yếu tại 2 quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất tháng 10 của 2 quốc gia đều thấp hơn ngưỡng 50 điểm và yếu hơn kỳ vọng của thị trường.
Loạt dữ liệu kinh tế của châu Âu trong chiều nay cũng có thể chi phối đáng kể đến xu hướng biến động của giá, bao gồm PMI sản xuất của Đức và khu vực đồng euro (Eurozone). Các dữ liệu gần đây đều đang củng cố mối lo ngại rằng nền kinh tế Đức và Eurozone có thể tiến gần hơn với rủi ro suy thoái. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hoạt động sản xuất tháng 10 của Đức và Eurozone có thể tiếp tục thu hẹp, với PMI sản xuất dự kiến lần lượt là 40,7 điểm và 43,0 điểm. Nếu dữ liệu thực tế yếu như dự báo, giá dầu có thể phải chịu nhiều sức ép.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)