Bản tin thị trường hàng hóa

Bản tin TCKD ngày 06/11/2023: Giá dầu trượt dốc kéo chỉ số hàng hóa suy yếu

Đóng cửa tuần qua, mặc dù lực mua chiếm ưu thế trên cả 3 nhóm nông sản, nguyên liệu công nghiệp và kim loại, tuy nhiên các mức giảm rất mạnh của nhiều mặt hàng năng lượng quan trọng đã kéo chỉ số giá hàng hoá MXV-Index suy yếu 0,53% xuống 2.237 điểm.

Đáng chú ý, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn tiếp tục tăng thêm 10%, đạt trung bình 5.200 tỷ đồng mỗi ngày. Nhờ tính chất giao dịch 2 chiều, có thể mở vị thế bán khi giá giảm, dòng tiền đầu tư đang liên tục đổ vào thị trường năng lượng trong thời gian gần đây.

Dầu thô là tâm điểm thu hút quan tâm của thị trường, với 4 trên 5 ngày đóng cửa trong sắc đỏ, ghi nhận tuần giảm mạnh thứ hai liên tiếp. Cụ thể, Dầu WTI đánh mất 5,88% giá trị xuống còn 80,51 USD/thùng, mức thấp nhất trong hai tháng qua. Dầu Brent mất mốc 85 USD/thùng, sau khi giảm 4,83% trong tuần qua. 

MXV cho biết tình hình nguồn cung có dấu hiệu cải thiện làm giảm bớt mối lo thâm hụt, đã gây sức ép lên giá dầu. Cùng với đó, các dữ liệu kinh tế kém sắc của Mỹ và Trung Quốc trong tháng 10 cũng góp phần thúc đẩy lực bán trên thị trường.

Khảo sát của Reuters cho thấy Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã sản xuất 27,9 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2023, tăng 180.000 thùng/ngày so với tháng 9/2023. Mức tăng chủ yếu đến từ Nigeria và Angola. 

Trong đó, dữ liệu sơ bộ của Bộ Dầu mỏ Iraq cho thấy quốc gia này đã xuất khẩu 3,53 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 10, mức trung bình hàng tháng cao nhất kể từ tháng 3. 

Nguồn cung dầu của Mỹ cũng có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu nước này đã phá vỡ kỷ lục trong tháng 8/2023, đạt mức 13,05 triệu thùng/ngày, tăng 0,7% so với tháng 7. 

Sự gia tăng sản lượng của nhiều quốc gia trên thế giới đang bù đắp một phần khoảng trống Saudi Arabia và Nga để lại, làm giảm bớt lo ngại thâm hụt nguồn cung và gây sức ép tới giá dầu. 

Theo MXV, những biến động mạnh trên thị trường năng lượng có thể sẽ chưa thể kết thúc trong tuần này, khi sẽ có rất nhiều báo cáo quan trọng được phát hành trong vài ngày tới. Đầu tiên phải kể đến báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn của Mỹ sẽ phát hành vào đêm thứ Ba, với các số liệu về cung – cầu rất quan trọng, có thể ảnh hưởng tới giá dầu trong vài phiên sau đó.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, cà phê Arabica là điểm sáng của toàn thị trường khi đóng cửa tuần tăng vọt 6,18% xuống còn 3.767,7 USD/tấn. Giá được thúc đẩy chủ yếu từ việc tồn kho trên Sở ICE đã hiện đã giảm về mức thấp nhất ghi nhận từ tháng 5/1999.

Ngược lại, hoạt động thu hoạch cà phê diễn ra ổn định tại Việt Nam, kết hợp cùng tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU duy trì quanh mốc 39.000 tấn kéo giá Robusta suy yếu nhẹ 0,46%.

Trên thị trường nội địa, sáng nay (6/11), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ hạ tiếp 100 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước về mức 57.100 - 58.100 đồng/kg, giảm 400 - 600 đồng/kg so với tuần trước đó.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)