Bản tin thị trường hàng hóa
Chỉ số MXV-Index xuống mức thấp nhất trong 5 tháng qua
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, giá nhiều mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp và năng lượng lao dốc trong ngày giao dịch hôm qua (5/12) kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,48%, xuống còn 2.146 điểm. Như vậy, chỉ số này đã có tới 4 phiên rơi điểm liên tiếp và đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua.
Đáng chú ý, giá dầu đã bị đẩy xuống vùng thấp nhất trong vòng gần 5 tháng qua trước lo ngại về nhu cầu suy yếu. Trong khi đó, giá các mặt hàng nhóm nông sản biến động trái chiều và thận trọng sau khi có thông tin tổng hợp dự đoán của các Tổ chức lớn trước Báo cáo cung - cầu nông sản thế giới tháng 12 (WASDE).
Giá dầu tiếp tục lao về mức thấp nhất gần 5 tháng
Kết thúc ngày giao dịch ngày 6/12, giá dầu bị đẩy xuống vùng thấp nhất trong vòng gần 5 tháng qua trước lo ngại về nhu cầu suy yếu, trong khi nguồn cung vẫn đảm bảo. Dầu WTI giảm 0,99% xuống 72,32 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa với mức giá 77,2 USD/thùng, giảm 1,06%. Đây là mức đóng cửa thấp nhất đối với cả hai loại dầu thô kể từ ngày 6/7, cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 5, giá dầu WTI ghi nhận 4 phiên giảm liên tiếp.
Bất chấp tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+), các nhà giao dịch vẫn tăng cường vị thế bán. Phó Thủ tường Nga thậm chí còn cảnh báo rằng OPEC + sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu sâu hơn trong quý đầu tiên của năm 2024 để loại bỏ "đầu cơ và biến động", nếu các hành động hiện tại là không đủ. Tính chất “cắt giảm tự nguyện” đang được đánh giá sẽ không mang lại hiệu quả trong việc hạn chế nguồn cung, vì ngoại trừ Saudi Arabia, các thành viên khác khá dè dặt trong việc thu hẹp thị phần.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya, thành viên OPEC, cho biết họ đang trên đà tăng sản lượng dầu lên 2 triệu thùng/ngày trong vòng 3 đến 5 năm tới. Hiện tại, sản lượng của quốc gia này đạt khoảng 1,15 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, lần đầu tiên sau 7 tháng, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Saudi Arabia hạ giá dầu thô Arab Light cho khách hàng châu Á. Các nguồn tin từ Reuters cho biết Tập đoàn Saudi Aramco đã giảm giá bán chính thức (OSP) cho chuyến hàng Arab Light sang châu Á vào tháng 1/2024 thêm 50 cent/thùng so với tháng 12, xuống còn 3,50 USD/thùng so với báo giá của Oman/Dubai. Điều này phản ánh về sức cầu suy giảm tương đối so với nguồn cung và gây áp lực cho giá dầu.
Về yếu tố vĩ mô, triển vọng kinh tế mờ nhạt của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới là Trung Quốc cũng không thể hỗ trợ giá dầu. Mới đây, cơ quan xếp hạng Moody's hạ triển vọng trái phiếu Chính phủ Trung Quốc xuống mức tiêu cực, nhấn mạnh mối lo ngại toàn cầu về mức nợ trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Viện dầu khí Mỹ (API) công bố tồn kho dầu thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 1/12 đã tăng gần 600.000 thùng, so với dự báo giảm 1,4 triệu thùng của giới phân tích. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tăng lần lượt 2,8 triệu và 1,9 triệu thùng, càng làm gia tăng áp lực cho giá dầu vào cuối phiên.
Giá khô đậu tăng mạnh hơn 2%
Giá đậu tương biến động không đáng kể. Mặc dù vậy, xu hướng giảm vẫn chiếm ưu thế khi có thời điểm giá xuống vùng đáy mới. Không có nhiều thông tin mới xuất hiện vào ngày hôm qua và những quan điểm của thị trường về tình hình mùa vụ tại Nam Mỹ là yếu tố chính đã ảnh hưởng đến giá.
Giám đốc kinh doanh nông nghiệp tại Itau BBA, Pedro Fernandes cho biết sản lượng đậu tương niên vụ 2023/24 của Brazil dự báo vẫn có thể đạt mức kỷ lục 158 triệu tấn, ngang với số liệu của niên vụ trước.
Ở bên cạnh đó, hãng tin Reuters ngày hôm qua đã công bố tổng hợp dự đoán của các Tổ chức lớn trước báo cáo Cung - cầu nông sản thế giới tháng 12 (WASDE). Tại Mỹ, các nhà phân tích cho biết tồn kho đậu tương sẽ chỉ giảm nhẹ 2 triệu giạ so với báo cáo trước xuống còn 243 triệu giạ, khả năng nhiều là do tình hình xuất khẩu có sự cải thiện thời gian gần đây. Đối với Nam Mỹ, tình hình nguồn cung đang có sự trái chiều khi sản lượng đậu tương của Brazil dự báo sẽ giảm gần 3 triệu tấn so với báo cáo tháng 11, trong khi tăng nhẹ 0,2 triệu tấn tại Argentina. Đây là nguyên nhân khiến thị trường biến động thận trọng vào hôm qua.
Khô đậu tương và dầu đậu tương biến động mạnh nhưng trái chiều vào hôm qua. Giá khô đậu đã tăng hơn 2%, nhờ lực mua kỹ thuật sau nhiều phiên giảm liên tiếp. Đối với dầu đậu tương, bên cạnh ảnh hưởng trái chiều của khô đậu, giá cũng chịu áp lực từ sự suy yếu của giá dầu cọ. Điều này là nguyên nhân khiến dầu đậu tương là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản.
Sắc xanh tiếp tục được duy trì trên thị trường ngô trong ngày giao dịch hôm qua. Sau giai đoạn giằng co trong hầu hết phiên sáng, lực mua đã được đẩy mạnh vào phiên tối nhờ ảnh hưởng từ diễn biến tăng giá của lúa mì. Đóng cửa phiên, giá ngô nghi nhận mức tăng 1,03%, qua đó đánh dấu chuỗi 5 phiên hồi phục liên tiếp.
Tương tự như ngô, lúa mì cũng tiếp tục trải qua một phiên hồi phục mạnh. Trong đó, giá lúa mì hợp đồng tháng 3 tăng 1,73%, chạm mốc cao nhất kể từ cuối tháng 8. Triển vọng nhu cầu quốc tế đối với nguồn cung từ Mỹ tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ tới giá trong phiên vừa rồi.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận ngày hôm qua (5/12), giá khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Việt Nam được điều chỉnh giảm nhẹ. Theo đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ tại cảng Cái Lân xuống mức 14.100 - 14.200 đồng/kg đối với kỳ hạn giao tháng cuối năm. Đối với kỳ hạn giao quý I năm sau, giá khô đậu tương dao động quanh mức 13.300 - 13.600 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 150 đồng so với cảng Cái Lân.
Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)