Bản tin thị trường hàng hóa

Thị trường kim loại và cà phê diễn biến phân hóa tuần cuối năm 2023

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, ngày hôm qua (1/1), thị trường giao dịch quốc tế đóng cửa nghỉ Tết dương lịch 2024. Tuần giao dịch cuối cùng năm 2023 (26 - 29/12), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa về giá. Hầu hết các mặt hàng nhóm kim loại đều tăng giá, trong khi nhiều mặt hàng nhóm nông sản, năng lượng giá lại giảm. Dòng tiền giao dịch ngày cuối cùng của năm cũng giảm mạnh, đạt 3.855 tỷ đồng. Trong đó, nhóm hàng kim loại chiếm tỷ lệ lớn nhất, gần 49,4% trên tổng giá trị giao dịch.

Đồng USD suy yếu, kim loại quý tiếp tục được hưởng lợi

Theo MXV, thị trường kim loại khép lại tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023 với diễn biến phân hóa. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạch kim nối dài đà tăng sang tuần thứ ba liên tiếp, đóng cửa tuần tại mức 1.009,2 USD/ounce, tăng 1,56%. Trái lại, giá bạc suy yếu 1,95% về 24,09 USD/ounce, đứt chuỗi tăng hai tuần liên tiếp.

MXV cho biết giá kim loại quý tiếp tục được hưởng lợi nhờ sự suy yếu của đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu Mỹ. Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nới lỏng chính sách tiền tệ năm sau đã khiến đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023. Đóng cửa tuần, chỉ số Dollar Index để mất 0,36% xuống 101,33 điểm, trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 4 điểm cơ bản về 3,86%.

Kim loại quý là tài sản không mang lãi suất và được định giá bằng USD, do vậy, kỳ vọng lãi suất giảm và tỷ giá USD yếu đi đều là những nhân tố có lợi cho giá bạc và bạch kim.

Tuy nhiên, giá bạc vẫn giảm trong tuần qua do áp lực đóng vị thế trong ngày nghỉ lễ Giáng sinh và trước thềm nghỉ lễ Tết Dương lịch.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX để mất 0,37% về 3,89 USD/pound. Giá đồng vẫn đang được hưởng lợi khi nguồn cung đồng có nguy cơ bị siết chặt và áp lực vĩ mô suy yếu. Đã có thời điểm giá tăng, tiến sát mốc cao nhất trong vòng 5 tháng qua.

Tuy nhiên, giá đảo chiều giảm ngay sau đó do triển vọng tiêu thụ kém lạc quan tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới. Trong tuần trước, một loạt các ngân hàng đầu tư và công ty môi giới chứng khoán lớn trên thế giới đã dự báo lĩnh vực bất động sản, trụ cột kinh tế của Trung Quốc và là phân khúc tiêu thụ một lượng lớn đồng, sẽ tiếp tục suy yếu vào năm 2024. Bên cạnh đó, áp lực bán kỹ thuật gia tăng tại vùng kháng cự 3,93 USD cũng khiến giá đồng liên tục gặp sức ép và đóng cửa tuần trong sắc đỏ.

Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt tăng hai tuần liên tiếp, đóng cửa tuần tại mức 140,08 USD/tấn sau khi tăng 0,99%. Giá quặng sắt vốn nhạy cảm hơn đối với các kích thích kinh tế của Trung Quốc, do đó, việc Trung Quốc cam kết tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế đã giúp giá quặng sắt được hưởng lợi.

Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết họ cam kết đẩy mạnh điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô để hỗ trợ nền kinh tế và "thúc đẩy sự phục hồi của giá cả và duy trì giá ở mức hợp lý”.

Giá Arabica giảm mạnh khi tồn kho hồi phục

Kết thúc tuần giao dịch cuối năm 2023, giá Arabica giảm 2,33% trong khi giá Robusta nhích nhẹ 0,14% so với tham chiếu. Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tiếp tục hồi phục, thời tiết tại Brazil cải thiện khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường phần nào dịu lại. Dù vậy, tin đồn Việt Nam hạn chế xuất khẩu thông qua ước tính lượng hàng xuất đi trong năm 2023 giúp giá Robusta khởi sắc. 

Tồn kho Arabica đạt chuẩn trong tuần qua tăng 3.312 bao loại 60kg, lên 251.224 bao. Dù mức tăng không nhiều ấn tượng nhưng đây lại là tín hiệu tốt về dữ liệu tồn kho nói riêng và nguồn cung cà phê nói chung. 

Bên cạnh đó, lo ngại rủi ro nắng nóng tại Brazil đã được đẩy lùi khi nhiệt độ dịu lại nhờ vào lượng mưa trên mức trung bình ở vùng trồng cà phê chính của Brazil. Điều này giúp cây cà phê có điều kiện phát triển tốt hơn, từ đó duy trì triển vọng tích cực về nguồn cung cà phê niên vụ 2024/24 của nước này. 

Trong khi đó, Tổng cục Thống kê ước tính năm 2023, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn 9,6% so với năm 2022. Sản lượng giảm vì El Nino, nông dân chuyển đổi cây trồng đã khiến lượng xuất khẩu ít hơn. 

Giá hai mặt hàng đường có diễn biến trái chiều trong tuần qua. Đóng cửa, giá đường 11 giảm 0,19% trong khi giá đường trắng tăng 1,02% so với tham chiếu. Giá dầu thô suy yếu làm gia tăng tín hiệu tích cực về triển vọng nguồn cung đường niên vụ 2023/24 tại Brazil. 

Cụ thể, giá dầu giảm thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường thay vì chiết suất ethanol. Nguyên liệu đầu vào dồi dào hơn sẽ tạo đà cho sản lượng đường tăng và hướng giá về vùng cao kỷ lục như các chuyên gia đã dự đoán. 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)