Bản tin thị trường hàng hóa
Giá dầu có thể duy trì đà tăng trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đỏ leo thang
Giá dầu nhận được lực mua tích cực trong phiên sáng khi căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ leo thang trở lại.
Nguy cơ xung đột Israel - Gaza lan rộng sang khu vực lớn hơn đã gia tăng vào cuối tuần qua sau khi máy bay trực thăng của Mỹ đánh chìm 3 tàu Houthi và giết chết 10 chiến binh của nhóm phiến quân này. Đáp lại hành động của Mỹ, Iran đã gửi tàu khu trục Alborz qua eo biển Bab El-Mandeb, điểm nghẽn giữa Biển Đỏ và Vịnh Aden, khiến tình hình trở nên biến động hơn tại tuyến đường biển xử lý khoảng 12% thương mại của thế giới. Tâm lý lo ngại nguồn cung tại khu vực Trung Đông gián đoạn khi rủi ro địa chính trị gia tăng có thể sẽ là chất xúc tác chính thúc đẩy đà tăng của dầu thô trong ngắn hạn.
Ngoài ra, thị trường cũng phản ứng tích cực với dữ liệu kinh tế của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới. Khảo sát tư nhân Caixin Trung Quốc cho thấy chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất của Trung Quốc đạt 50,8 điểm trong tháng 12, cao hơn 0,4 điểm so với dự báo và là mức cao nhất trong vòng 4 tháng.
Hơn nữa, kỳ vọng vào nhu cầu đi lại cao điểm của người dân Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán sắp tới có thể cũng sẽ củng cố lực mua trên thị trường dầu. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc ban hành hạn ngạch nhập khẩu 179,01 triệu tấn dầu cho năm 2024, cao hơn 60% so với năm 2023, có thể sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu và tăng thông lượng lọc dầu của các nhà máy lọc dầu tư nhân, góp phần hỗ trợ giá dầu.
Dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cho thấy các quỹ phòng hộ đã tăng vị thế mua ròng đối với hợp đồng tương lai và quyền chọn của dầu WTI thêm 15.746 hợp đồng lên 125.199 hợp đồng trong tuần kết thúc vào ngày 26/12. Điều này có thể cho thấy triển vọng lạc quan trong ngắn hạn đối với giá dầu WTI của các nhà quản lý quỹ.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)