Bản tin thị trường hàng hóa
Lo ngại nhu cầu yếu có thể tiếp tục đè nặng lên giá dầu
Giá dầu gặp áp lực trong phiên sáng khi thị trường tiếp tục đánh giá dữ liệu kinh tế yếu của Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Báo cáo của S&P Global cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục thu hẹp tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 12/2023, với chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất tháng 12/2023 chỉ đạt 47,9 điểm, thấp hơn so với dự báo 48,2 điểm và mức 49,4 điểm trong tháng trước.
Mới đây, khảo sát của Reuters với 5 nhà máy lọc dầu cho biết Saudi Arabia có thể giảm giá bán chính thức (OSP) tháng 2/2024 đối với dầu Arab Light sang châu Á trung bình khoảng 1,70 USD/thùng so với báo giá của Oman/Dubai, xuống mức thấp nhất trong 1 năm. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ tại châu Á có thể vẫn còn nhiều hạn chế. Thị trường vật chất châu Á suy yếu mạnh trong tháng 12, với chênh lệch giá giữa tháng đầu tiên và tháng thứ ba của dầu Dubai trung bình chỉ đạt 0,17 USD/thùng, so với 1,70 USD/thùng trong tháng 11, phản ánh kỳ vọng về nguồn cung ít thắt chặt hơn trong thời gian tới.
Theo Bloomberg, một số nhà phân tích cho rằng sản lượng dầu ngày càng tăng từ các quốc gia nằm ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có thể vượt xa nhu cầu toàn cầu vốn đang tăng trưởng chậm lại và kéo giá dầu xuống mức thấp hơn trong năm 2024. Trong bối cảnh thị trường thiếu vắng chất xúc tác, giá dầu có thể diễn biến đi ngang trong khoảng 68,5 - 72,5 USD trong ngắn hạn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)