Bản tin thị trường hàng hóa
Giá cà phê có thể chịu sức ép đầu phiên do số liệu xuất khẩu lớn tại Brazil
Khép lại tuần giao dịch 1 – 7/1, giá hai mặt hàng cà phê cùng suy yếu, thâm chí, giá Arabica hợp đồng tháng 3 đã chạm mức thấp nhất trong một tháng. Hoạt động xuất khẩu diễn ra tích cực trong tháng 12 tại các quốc gia sản xuất khẩu Arabica hàng đầu thế giới đã tạo sức ép lớn lên giá.
Thông tin từ Chính phủ Brazil cho biết, quốc gia này đã cho phép xuất đi 4,06 triệu bao cà phê dạng hạt loại 60kg (tương đương 243.560 tấn) trong tháng 12. Đây là lượng cà phê xuất khẩu cao nhất hàng tháng trong 3 năm gần nhất, tăng lần lượt 33,75% và 3,77% so với cùng kỳ năm 2022 và tháng 11/2023.
Cùng với đó, Liên đoàn cà phê Colombia cũng dự đoán sản lượng cà phê của quốc gia sản xuất Arabica lớn thứ hai thế giới tiếp tục đà hồi phục trong năm 2023. Theo đó, liên đoàn cho biết, quốc gia này đã sản xuất 11,3 triệu bao cà phê trong năm vừa qua, tăng 2% so với năm 2022. Hơn thế, sản lượng cà phê trong tháng 12 của Colombia đạt 1,22 triệu bao, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo xuất khẩu tăng 3%, lên mức 1,06 triệu bao.
Số liệu tích cực từ hoạt động sản xuất và xuất khẩu cà phê giúp thị trường vơi bớt lo ngại thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt khi tồn kho đạt chuẩn cũng dần cải thiện dù tốc độ còn chậm.
Trong tuần trước, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US cũng hồi thêm 1.920 bao loại 60kg, lên mức 253.224 bao. Thêm vào đó, số bao cà phê đang chờ chứng nhận ở mức 16.901 bao, gia tăng cơ hội mở rộng lượng cà phê lưu trữ trong các phiên sau. Trong bối cảnh, xuất khẩu Arabica tăng mạnh trong tháng cuối năm 2023 vừa qua, kỳ vọng có thể gia tăng tốc độ hồi phục dữ liệu tồn kho trong thời gian tới, từ đó củng cố hơn nữa tình hình cung ứng cà phê trên thị trường.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)