Bản tin thị trường hàng hóa
Xung đột Trung Đông ‘nóng’ lên, giá dầu và kim loại quý tăng mạnh
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới phân hóa rõ rệt trong tuần qua (12 - 18/2). Căng thẳng xung đột ở Trung Đông leo thang đã đẩy giá dầu tăng tuần thứ hai liên tiếp, giá kim loại quý cũng lên cao nhờ vào vai trò trú ẩn. Trái lại, sắc đỏ chiếm áp đảo trên bảng giá nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp. Chốt tuần, chỉ số MXV-Index của 3/4 nhóm mặt hàng giảm, kéo chỉ số MXV-Index rơi 1,04% xuống 2.111 điểm. Giá trị giao dịch trung bình toàn Sở ở mức hơn 3.500 tỷ đồng mỗi ngày.
Giá dầu tăng tuần thứ hai liên tiếp
Theo MXV, kết thúc tuần giao dịch qua, giá dầu đã có hai tuần tăng giá liên tiếp trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông ngày càng lên cao. Ngoài ra, lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt cũng góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Chốt tuần, giá dầu WTI tăng 3,06% lên 79,19 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,56% lên 83,47 USD/thùng.
Hãng tin Reuters cho biết cuộc đàm phán giữa Mỹ, Ai Cập, Qatar và Israel về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đã kết thúc mà không có tiến triển. Thậm chí, lãnh đạo Hezbollah cho rằng cuộc chiến chống lại Israel sẽ còn leo thang hơn nữa.
Tại Biển Đỏ, mối đe dọa với các tàu vận chuyển hàng hóa vẫn hiện hữu trước sự quấy rối của lực lượng Houthi. Cơ quan Điều hành Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO) đã nhận được báo cáo về một con tàu bị trúng tên lửa ở phía nam Al Mukha của Yemen. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tàu chở dầu thô M/T Pollux treo cờ Panama đang trên đường đến Ấn Độ cũng gặp sự cố tương tự. Bất ổn địa chính trị còn tiếp diễn, tiềm ẩn rủi ro gián đoạn nguồn cung, là chất xúc tác chính hỗ trợ giá dầu.
Nguồn cung từ Mỹ có dấu hiệu thắt chặt cũng là động lực thúc đẩy đà tăng của giá trong tuần qua. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô từ 7 lưu vực đá phiến của Mỹ dự kiến sẽ tăng 0,2% so với tháng trước lên 9,72 triệu thùng/ngày vào tháng 3, giảm tốc so với mức tăng trưởng trung bình hàng tháng của năm ngoái là khoảng 0,9%. Trong khi đó, số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy số lượng giàn khoan dầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 16/2 đã giảm 2 giàn xuống 497 giàn. Điều này có thể làm tăng mức độ thâm hụt của thị trường trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) thực hiện cắt giảm sản lượng.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga đã giảm trở lại sau khi ghi nhận mức cao nhất trong 7 tháng. Cụ thể, lưu lượng xuất khẩu hàng tuần của nước này đã giảm khoảng 290.000 thùng/ngày xuống 3,49 triệu thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 11/2. Thông lượng lọc dầu của nước này cũng ghi nhận mức suy giảm 4% trong hai tuần đầu tiên của tháng 2, so với mức trung bình của tháng 1 và giảm 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở một diễn biến đáng chú ý khác, giá khí tự nhiên lao dốc hơn 12% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020, do tồn kho giảm ít hơn dự kiến và dự báo thời tiết ấm hơn hạn chế nhu cầu sưởi ấm. EIA cho biết tồn kho khí tự nhiên của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 9/2 giảm 49 tỷ feet khối (bcf), giảm ít hơn so với dự báo giảm 68 bcf của giới phân tích và mức giảm 117 bcf trong cùng kỳ năm ngoái, đồng thời so với mức giảm 119 bcf trong trung bình 5 năm.
Xung đột Trung Đông gia tăng thúc đẩy lực mua kim loại quý
Khép lại tuần giao dịch 12 - 18/2, toàn bộ 10 mặt hàng chính trên nhóm kim loại đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh, trong đó nhiều mặt hàng có mức tăng giá ấn tượng trên 4%. Điển hình là nhóm kim loại quý, với giá bạc tăng 3,9% lên 23,47 USD/ounce. Bạch kim tăng 4,02% lên 913,5 USD/ounce. Nguyên nhân chính là do vai trò trú ẩn được đẩy lên cao trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị có chiều hướng gia tăng tại khu vực Trung Đông.
Các quan chức cho biết bệnh viện lớn nhất của Gaza đang bị bao vây trong cuộc chiến giữa Israel - Hamas trong bối cảnh máy bay chiến đấu tấn công Rafah, nơi ẩn náu cuối cùng của người Palestine tại mảnh đất này. Lãnh đạo Hamas Haniyeh tuyên bố rằng ông sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào trừ khi xung đột hoàn toàn chấm dứt, lực lượng chiếm đóng được rút khỏi Gaza và những cuộc bao vây bất công được dỡ bỏ.
Căng thẳng gia tăng đã thúc đẩy lực mua bạc và bạch kim với vai trò kim loại quý trú ẩn, kéo giá hai kim loại quý này tăng cao. Thậm chí, giá bạc chạm mức cao nhất một tháng, bất chấp sức ép từ đà tăng của đồng USD sau hàng loạt dữ liệu Mỹ cho thấy lạm phát đang quay trở lại trong tháng 1.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta, Raphael Bostic, cho biết hôm thứ Sáu (16/2) rằng ông sẵn sàng cho việc hạ lãi suất vào một thời điểm nào đó trong vài tháng tới. Điều này cũng xoa dịu một phần tâm lý thị trường và thúc đẩy lực mua bạc và bạch kim.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX bật tăng 4,26% lên 3,83 USD/pound sau hai tuần giảm giá liên tiếp. Quặng sắt tăng 3,67% lên 131,27 USD/tấn. Đà tăng giá của các mặt hàng kim loại cơ bản chủ yếu đến từ kỳ vọng từ nền kinh tế Trung Quốc sẽ sớm có các tín hiệu tích cực nhờ biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ sau kỳ nghỉ Lễ. Hơn nữa, thông thường thì hoạt động xây dựng cao điểm sẽ bắt đầu từ tháng 3, nên nhiều nhà máy có xu hướng gia tăng sản xuất, tăng cường tích trữ nhằm phục vụ bán hàng. Điều này cũng góp phần cải thiện triển vọng tiêu thụ tại Trung Quốc.
Theo các báo cáo chính thức từ Bloombergs tổng hợp, hơn 61 triệu chuyến đi bằng đường sắt đã được thực hiện trong 6 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc. Đây là mức cao nhất do Bloomberg News tổng hợp trong 5 năm qua và đánh dấu mức tăng 61% so với cùng kỳ nghỉ lễ năm 2023.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)