Bản tin thị trường hàng hóa

Bản tin TCKD ngày 21/02/2024: Giá dầu sụt giảm từ mức cao nhất 3 tuần

Sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu trong ngày hôm qua. Tuy nhiên, lực bán chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index chốt ngày 20/2 tiếp tục suy yếu 0,36% xuống 2.112 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở ổn định trở lại, đạt gần 4.800 tỷ đồng.

Với toàn bộ 5 mặt hàng đồng loạt giảm giá mạnh, nhóm năng lượng đóng vai trò dẫn dắt xu hướng thị trường. Đáng chú ý, giá khí tự nhiên tiếp tục lao dốc hơn 2% xuống còn 1,58 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020 do tiêu thụ yếu trong bối cảnh thời tiết ấm hơn hạn chế nhu cầu sưởi ấm. Trong khi đó, tồn kho giảm ít hơn dự kiến cũng gây sức ép lên giá mặt hàng này.

Trong diễn biến đáng chú ý khác, giá dầu suy yếu từ mức cao nhất 3 tuần do lo ngại về nhu cầu suy giảm lấn át rủi ro về tình hình địa chính trị tại Trung Đông. Chốt ngày, dầu WTI kỳ hạn tháng 4 trên Sở NYMEX giảm 1,8% xuống còn hơn 77 USD/thùng, hợp đồng dầu Brent cùng kỳ hạn niêm yết trên Sở ICE giảm 1,46% về mức 82,34 USD/thùng.

MXV cho biết, giá dầu quay đầu giảm mạnh trong ngày hôm qua chủ yếu do áp lực vĩ mô. Kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn đang gây sức ép lên nhu cầu tiêu thụ dầu. Theo khảo sát mới nhất của Reuters, có 53 trong số 104 nhà kinh tế cho rằng FED bắt đầu hạ từ tháng 6 và chỉ có 33 người cho rằng FED sẽ hạ lãi suất ngay từ tháng 5.  

Trong khi đó, xét về cung cầu, nhu cầu dầu thô cho hoạt động lọc dầu tại các nhà máy của Mỹ vẫn còn hạn chế. Khảo sát sơ bộ của Reuters cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần vừa qua dự kiến tiếp tục tăng 4,3 triệu thùng, sau mức tăng mạnh 12 triệu thùng của tuần trước đó.  

Thêm vào đó, yếu tố nguồn cung cũng làm gia tăng áp lực lên giá dầu. Sau khi rời Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), mới đây, Angola có kế hoạch xuất khẩu 35 lô dầu thô vào tháng 4, cao hơn 1 lô hàng so với mức dự tính trong tháng 3. 

Trong khi đó, mặc dù đang gặp khó khăn tại thị trường châu Á với việc các chuyến hàng chưa thể cập bến Ấn Độ, Nga vẫn đang tiếp tục tìm ra cho mình các thị trường mới. Cụ thể, khoảng 1,8 triệu thùng dầu thô của Nga sẽ đến Venezuela, đồng thời một lô hàng khác đang hướng tới Ghana. 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)