Bản tin thị trường hàng hóa

Giá kim loại có thể hồi nhờ tín hiệu kĩ thuật

Trong phiên sáng, giá các mặt hàng kim loại đồng loạt phục hồi trong sắc xanh nhờ sự suy yếu của đồng USD và lực mua kĩ thuật. Tuy nhiên, đà tăng của giá có thể hạn chế do áp lực vĩ mô vẫn tiềm ẩn.

Vào sáng nay, chỉ số Dollar Index, thước đo đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tiếp tục suy yếu do sự mạnh lên của đồng yên Nhật. Đồng tiền này đóng nhận lực mua tích cực sau khi Nhật Bản công bố số liệu lạm phát tăng vượt dự kiến và tiếp tục duy trì ở mức mục tiêu 2% của Nhân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Điều này đã củng cố cho kỳ vọng BOJ sẽ chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm vào tháng 4. Cụ thể, theo dữ liệu của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (CPI) lõi trong tháng 1/2024 của Nhật Bản tăng 2% so với cùng kỳ, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo.

Tuy vậy, lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất cao lâu hơn vẫn đang là yếu tố chính gây áp lực lên giá các mặt hàng kim loại. Trong bài phát biểu mới đây, Chủ tịch FED bang Kansas, Jeffrey Schmid cho rằng sự gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ có thể gây áp lực tăng giá hàng hóa và lạm phát giá tiêu dùng nóng hơn dự kiến trong tháng 1, đặc biệt là đối với dịch vụ. Đồng thuận với quan điểm cứng rắn của hầu hết quan chức khác, ông cũng cho rằng FED không nên vội hạ lãi suất.

Bên cạnh đó, riêng đối với đồng, triển vọng tiêu thụ kém tại Trung Quốc có thể kìm hãm đà tăng của giá đồng trong phiên.

Theo Reuters, giá nhà ở tại Hồng Kông trong tháng 1/2024 giảm 1,6% so với tháng trước, đánh dấu tháng giảm thứ chín liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016. Giá nhà tiếp tục giảm do bị ảnh hưởng bởi tâm lý thị trường yếu kém, lãi suất cao và người mua nhà đang chờ xem liệu thuế trước bạ nhà đất có giảm trong tuần này hay không. Giá nhà tại Hồng Kông hiện đã giảm 20% kể từ mức đỉnh năm 2021 và một số nhà phân tích dự báo sẽ còn giảm tới 10% trong năm nay.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)