Bản tin thị trường hàng hóa

Chỉ số MXV-Index lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 2

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đón nhận lực mua tích cực trong ngày giao dịch hôm qua (27/2). Chỉ số giá của cả 4 nhóm mặt hàng đồng loạt tăng đã nâng chỉ số MXV-Index thêm 0,89% lên 2.136 điểm - mức cao nhất kể từ đầu tháng 2/2024. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 4.100 tỷ đồng.

Nga cấm xuất khẩu xăng, giá dầu tiếp đà đi lên

Theo MXV, kết thúc ngày giao dịch 27/2, giá dầu tiếp tục đà tăng, với dầu WTI lên mức cao nhất trong vòng một tháng qua trong bối cảnh thị trường lo ngại về vấn đề nguồn cung thắt chặt. Chốt phiên, dầu WTI tăng 1,66% lên 78,87 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,21% lên 82,66 USD/thùng.

Thông tin đáng chú ý nhất trong ngày hôm qua là việc Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin phê chuẩn lệnh cấm xuất khẩu xăng trong 6 tháng bắt đầu từ ngày 1/3. Phó Thủ tướng Alexander Novak trước đó đã báo cáo với thủ tướng đề xuất đưa ra lệnh cấm tạm thời. Trong một bức thư ngày 21/2, ông lưu ý nhu cầu nhiên liệu theo mùa tại thị trường nội địa chuẩn bị tăng. Lệnh cấm này được cho là để bình ổn giá xăng tại Nga trong bối cảnh tiêu thụ phục hồi và các nhà máy lọc dầu bảo trì.

Việc ưu tiên cho lọc dầu tại Nga sẽ hạn chế nguồn cung ra ngoài thị trường, từ đó góp phần thúc đẩy lực mua trong phiên.

Ngoài ra, theo nguồn tin từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cung cấp cho hãng tin Reuters, OPEC+ sẽ xem xét gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện sang quý II. Tháng 11 năm ngoái, tổ chức này đã đồng ý cắt giảm tự nguyện khoảng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên năm nay, dẫn đầu là Saudi Arabia với 1 triệu thùng/ngày.

Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial, cho biết OPEC+ đang tìm kiếm mức giá giữa 80 USD, có thể là khoảng 85 USD/thùng đối với dầu Brent. Nếu giá dầu ở dưới mức đó, họ sẽ cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm.

Các vấn đề trên vẫn chưa được OPEC+ thảo luận chính thức, nhưng tâm lý lo ngại nguồn cung eo hẹp hơn trong khi nhu cầu dự kiến sẽ dần phục hồi khi mùa đông qua đi đã đẩy giá dầu tăng cao.

Cũng hỗ trợ giá từ phía nguồn cung, Israel và Hamas, cũng như các nhà hòa giải Qatar, đều đưa ra những lưu ý thận trọng về tiến trình hướng tới thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Trong khi đó, người phát ngôn của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết hoạt động của nhóm ở Biển Đỏ sẽ chỉ dừng lại khi chiến dịch quân sự của Israel nhắm vào Gaza chấm dứt. Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Houthi đã làm tăng chi phí vận chuyển các sản phẩm năng lượng và góp phần thắt chặt thị trường.

Rạng sáng nay (28/2) theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện dầu khí độc lập API cho thấy tồn kho dầu thương mại Mỹ tăng mạnh 8,43 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 23/2, cao hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 2,7 triệu thùng. Điều này có thể hạn chế một phần đà tăng của giá dầu trong phiên mở cửa.

Giá bông tăng kịch trần trong bối cảnh tồn kho cạn kiệt

Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, giá bông tăng kịch trần 4%, đẩy giá lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2022. Lực mua đầu cơ tăng lên và tồn kho bông thấp kỷ lục đã tạo hỗ trợ kép lên giá. 

Tính đến ngày 26/2, tồn kho bông trên Sở ICE ở mức 997 kiện, giảm hơn một nửa so với ngày 12/1. Rogers Varner, Chủ tịch Công ty môi giới Varner ở Cleveland cho biết hầu như không có kiện bông tồn kho nào được chứng nhận.

Một diễn biến đáng chú ý khác trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp, giá hai mặt hàng cà phê tăng lần lượt 1,92% với Arabica và 1,89% với Robusta, sau ba phiên giảm liên tiếp trước đó. Hỗ trợ từ việc đồng Real mạnh lên đã lấn át sức ép từ đà hồi phục của dữ liệu tồn kho đạt chuẩn. 

Cụ thể, đồng Real tăng trong phiên hôm qua, kéo theo tỷ giá USD/BRL giảm mạnh gần 1% so với tham chiếu. Chênh lệch tỷ giá giữa đồng tiền của quốc gia nhập khẩu lớn nhất với quốc gia xuất khẩu số một thế giới thu hẹp, hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil khi thu về ít ngoại tệ hơn. Điều này khiến lực mua trở nên áp đảo trên thị trường dù trước đó giá suy yếu nhẹ do dữ liệu tồn kho tích cực. 

Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tăng lên 332.797 bao loại 60kg, lấy lại “những gì đã mất” kể từ đầu tháng 11/2023. Hơn thế, lượng cà phê chờ phân loại hiện cũng lên mức 125.881 bao, là cơ sở cho thấy số lượng cà phê qua chứng nhận trong thời gian tới sẽ gia tăng.

Giá đường 11 tăng thêm 2,35% trong phiên hôm qua. Lo ngại về vụ mía đường mới tại Brazil, kết hợp cùng sự mạnh lên của giá dầu đã tiếp tục thúc đẩy giá đường hồi phục. 

Giới quan sát lo ngại lượng mưa thấp tại khu vực Trung Nam, vùng trồng mía đường chính của Brazil thời gian qua sẽ khiến sản lượng giảm trong niên vụ 24/25. Trước đó, Tereos dự đoán lượng mía tại khu vực này giảm sẽ giảm 60 triệu tấn so với vụ 23/24, về còn 600 triệu tấn trong vụ mới. 

Hơn thế, giá dầu thô tăng thêm gần 2% trong phiên hôm qua, thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho chiết suất ethanol. Điều này đồng nghĩa nguyên liệu cho sản xuất đường có thể hạn chế, từ đó thu hẹp sản lượng đường trong tương lai. 

Giá dầu cọ tăng nhẹ 1,53% trong bối cảnh số liệu xuất khẩu giảm tại Malaysia. Dữ liệu từ các nhà khảo sát Intertek testing Services và AmSpec Agri Malaysia cho thấy xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong 25 ngày đầu tháng 2 ước tính giảm lần lượt 10,7% và 14,3% so với cùng kỳ tháng trước.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)