Bản tin thị trường hàng hóa

Áp lực bán vẫn còn trên diện rộng, MXV-Index tiếp tục rơi

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết thị trường tài chính thế giới, trong đó có giao dịch hàng hóa đỏ lửa trong ngày hôm qua (5/8). Giá nhiều mặt hàng quan trọng đóng cửa tiếp đà lao dốc kéo chỉ số MXV-Index rơi thêm 0,74% xuống 2.077 điểm. Trong đó, kim loại đóng vai trò dẫn dắt xu hướng chung của toàn thị trường khi nhiều mặt hàng giá sụt sâu: bạch kim giảm 5,38%; chì LME giảm 4,57%, bạc giảm 4,17%... Dù lực bán vẫn còn chiếm ưu thế nhưng thị trường đã có dấu hiệu tích cực hơn khi nhiều mặt hàng nông sản giá khởi sắc.  

Tâm lý bi quan bao trùm thị trường kim loại cơ bản phiên đầu tuần

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, sắc đỏ gần như phủ kín bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim tiếp nối đà giảm của phiên cuối tuần trước với các mức giảm mạnh lần lượt là 4,17% và 5,38%. Đóng cửa, giá bạc giảm về mức 27,2 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5 năm nay. Giá bạch kim cũng giảm về mức thấp nhất hơn ba tháng, neo tại 915,5 USD/ounce. 

Bất chấp kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất vào tháng 9 ngày càng được củng cố, đà bán tháo xảy ra với nhóm kim loại quý khi tâm lý thị trường bi quan trước những nỗi lo kép bao gồm rủi ro suy thoái kinh tế tại Mỹ, xung đột nóng lên ở khu vực Trung Đông và Nhật Bản tăng lãi suất. Chỉ số biến động Cboe, một "thước đo nỗi sợ hãi" của Phố Wall, đã đóng cửa ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 10 năm 2020. 

Bên cạnh kim loại quý, thị trường chứng khoán Mỹ, lợi suất trái phiếu Mỹ, đồng USD và thị trường chứng khoán châu Á cũng phải chịu áp lực bán mạnh trong phiên hôm qua, phản ánh lo lắng chung trên toàn thị trường tài chính khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi các kênh đầu tư. 

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá các mặt hàng cũng đồng loạt gặp sức ép khi tâm lý bi quan cũng bao trùm trên thị trường. Trong đó, giá đồng COMEX giảm 2,53% so với mức tham chiếu về 8.816 USD/tấn, đánh dấu lần đầu tiên giảm xuống dưới mốc 8.838 USD/tấn sau gần 5 tháng. 

Trong diễn biến khác, triển vọng nhu cầu kém lạc quan cũng là yếu tố gây sức ép lên giá quặng sắt trong phiên hôm qua. Chốt phiên, giá quặng sắt niêm yết trên Sở Giao dịch Singapore (SGX) không thay đổi so với tham chiếu, giữ nguyên ở mức 103,81 USD/tấn. 

Dù chịu áp lực bán mạnh đầu phiên nhưng giá ngô vẫn đi lên

Diễn biến ngược chiều với các nhóm hàng còn lại trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới, thị trường nông sản khởi đầu tuần với sắc xanh chiếm ưu thế. Trong đó, giá ngô ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp với gần 1%. Triển vọng xuất khẩu khả quan của Mỹ cùng lo ngại nguồn cung là yếu tố đã hỗ trợ giá ngô. 

Trong báo cáo Giao hàng Xuất khẩu (Export Inspections), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết giao hàng ngô trong tuần kết thúc ngày 1/8 đạt mức 1,21 triệu tấn, cao hơn so với mức 1,07 triệu tấn trong tuần trước và vượt xa mức 0,39 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Kể từ đầu niên vụ 2023-2024, lũy kế giao ngô của Mỹ đã đạt 47,8 triệu tấn, cao hơn nhiều so với mức 35,2 triệu tấn trong năm 2023. Số liệu giao hàng khả quan mang đến kỳ vọng hoạt động xuất khẩu của Mỹ sẽ ở mức cao trong niên vụ hiện tại, góp phần nâng đỡ thị trường. 

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội các nhà sản xuất Ukraine, đợt nắng nóng kỷ lục vào tháng 7 tại hầu hết các khu vực có thể dẫn đến sản lượng ngô năm 2024 của nước này giảm khoảng 6 triệu tấn. Điều này chứng thực những lo ngại trước đó của thị trường cho rằng năng suất năm nay có thể giảm mạnh hơn mức 15% mà Bộ Nông nghiệp Ukraine đang ước tính, góp phần tác động “bullish” đến giá. 

Tương tự ngô, giá đậu tương cũng ghi nhận mức tăng hơn 1% vào hôm qua. Thị trường nhìn chung được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô khi đồng USD suy yếu vào hôm qua. 

Do lo ngại kinh tế suy thoái ở Mỹ, các nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi các kênh đầu tư rủi ro, đồng thời đặt cược rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ phải cắt giảm lãi suất để cứu vãn tăng trưởng, khiến đồng USD giảm giá so với các loại tiền tệ khác. Đồng USD yếu hơn khiến đậu tương Mỹ trở nên hấp dẫn hơn đối với những quốc gia nhập khẩu, kích thích nhu cầu và hỗ trợ giá.  

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)