Bản tin thị trường hàng hóa
Bản tin TCKD ngày 06/08/2024: Thị trường kim loại chìm trong sắc đỏ
Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, lực bán tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới. Ngoại trừ nhóm nông sản, đà giảm giá mạnh trên thị trường kim loại, nguyên liệu công nghiệp và năng lượng đã kéo chỉ số MXV-Index suy yếu 0,74% xuống 2.077 điểm. Như vậy, chỉ số hàng hoá này đã nối dài chuỗi giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp.
Thị trường kim loại thu hút nhiều chú ý giới phân tích và đầu tư khi các mặt hàng chủ chốt đồng loạt chịu sức ép bán mạnh, dẫn dắt xu hướng chung của giá hàng hoá thế giới. Chốt phiên, giá bạc quay về mức 27,21 USD/ounce sau khi ghi nhận mức giảm hơn 4%. Đồng thời, giá bạc sụt giảm hơn 5%, xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5 năm nay.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX đánh dấu lần đầu tiên giảm xuống dưới mốc 8.816 USD/tấn sau gần 5 tháng sau khi giảm 2,53%. Trong khi đó, giá quặng sắt vẫn giữ nguyên ở mức hơn 103 USD/tấn.
MXV cho biết, nhu cầu tiêu thụ kém tích cực tại quốc gia tiêu thụ đồng số một thế giới là Trung Quốc đã thúc đẩy lực bán trên thị trường trong phiên hôm qua.
Cụ thể, hoạt động sản xuất của nước này đã thu hẹp sang tháng thứ ba liên tiếp, thể hiện qua chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất giảm xuống 49,4 điểm trong tháng 7, từ mức 49,5 điểm của tháng 6. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm nay.
Ngoài ra, theo dự báo của các tổ chức lớn, tăng trưởng nhu cầu đồng tinh chế của nước này cũng sẽ giảm xuống 2,5% vào năm nay, từ mức 5,3% của năm ngoái bởi sự suy yếu của ngành xây dựng. Trong khi đó, thặng dư đồng tinh luyện toàn cầu dự kiến tăng nhẹ lên mức 300.000 tấn vào năm nay.
Trên thị trường nội địa, giá thép nước ta vẫn đi ngang trong gần một tháng trở lại đây. Hiện giá thép cuộn CB240 tại miền Bắc đang giữ ở mức 13,84 triệu đồng/tấn, trong khi giá thép thanh vằn D10 CB300 ổn định ở mức 14,24 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân chính khiến giá thép chững lại trong giai đoạn này là do nhu cầu thép còn yếu trong mùa tiêu thụ thấp điểm.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)