Bản tin thị trường hàng hóa
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang ‘lấy lại’ sắc xanh
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết sắc xanh tiếp tục chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch hôm qua (30/10). Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng 0,68% lên 2.169 điểm. Đáng chú ý, nhóm năng lượng dẫn dắt xu hướng hồi phục của toàn thị trường năng lượng khi 4 trên 5 mặt hàng tăng giá. Bên cạnh đó, nhóm nguyên liệu công nghiệp cũng duy trì đà khởi sắc khi 7 trong 9 mặt hàng đóng cửa trong sắc xanh.
Giá dầu thế giới đảo chiều hồi phục
Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thế giới đồng loạt đảo chiều sau khi lao dốc trong hai phiên trước đó. Nguyên nhân chính là do tồn kho dầu thô và xăng của Mỹ giảm ngoài dự kiến và thông tin Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) hoãn việc tăng sản lượng đã lên kế hoạch trước đó.
Chốt phiên giao dịch ngày 30/10, giá dầu thô WTI tăng 2,08%, đạt 68,61 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent tăng 2,01% lên 72,55 USD/thùng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho xăng của Mỹ trong tuần trước đã giảm ngoài dự kiến xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây, phát đi tín hiệu về nhu cầu tiêu thụ đang cải thiện, từ đó hỗ trợ sự hồi phục của giá dầu. Thêm vào đó, nhập khẩu dầu thô vào Mỹ từ Saudi Arabia, Canada, Iraq, Colombia, và Brazil trong tuần trước đồng loạt giảm. Đáng chú ý, nhập khẩu dầu từ Saudi Arabia rơi xuống vùng thấp nhất kể từ tháng 1/2021, từ mức 150.000 thùng/ngày xuống còn 13.000 thùng/ngày. Hoạt động nhập khẩu kém sôi động đã dẫn đến tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ sụt giảm, đồng thời xoa dịu lo ngại về dư thừa nguồn cung trong tuần trước đó khi tồn kho dầu Mỹ vọt tăng, qua đó góp phần hỗ trợ giá dầu.
Bên cạnh đó, theo thông tin của Reuters, kế hoạch tăng sản lượng trong tháng 12 được OPEC+ lên kế hoạch từ trước có thể sẽ bị hoãn lại ít nhất 1 tháng, do lo ngại về nhu cầu dầu suy yếu và nguồn cung gia tăng. Việc gia hạn thời điểm nới lỏng sản lượng này đã giúp thị trường bớt nghi ngại về nguy cơ dư thừa nguồn cung dầu, từ đó giúp giá dầu thế giới đảo chiều và tăng trở lại.
Trước đó, OPEC+ dự định cuối năm nay sẽ tăng sản lượng dầu lên 180.000 thùng/ngày, với mục tiêu dần hồi phục lại sản lượng dầu đã cắt giảm trước đó. Hai nguồn tin từ OPEC+ cho hay, quyết định hoãn tăng sản lượng có thể được đưa ra sớm nhất vào tuần tới. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang dồn sự chú ý vào Báo cáo Thị trường dầu hàng tháng (MOMR) của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) sẽ được công bố vào ngày 12/11. Tiếp sau đó, Ả Rập Xê Út cũng sẽ thông báo Giá bán chính thức (OSP) của dầu thô nước này sản xuất.
Giá ca cao nối dài đà tăng sang phiên thứ 4 liên tiếp
Theo MXV, đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, giá ca cao tăng phiên thứ 4 liên tiếp, lên 7.391 USD/tấn. Thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi thông tin mưa quá nhiều tại châu Phi cũng như lo ngại tình trạng thâm hụt ca cao toàn cầu.
Mưa lớn kéo dài tại các đồn điền ca cao châu Phi - khu vực sản xuất lớn nhất thế giới, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lũ lụt và dịch bệnh phát triển, ảnh hưởng đến cây trồng. Điều này có thể khiến năng suất ca cao sụt giảm mạnh, khiến triển vọng nguồn cung niên vụ 2024-2025 không còn khả quan như kỳ vọng ban đầu.
Thêm vào đó, JPMorgan mới đây dự báo thị trường ca cao toàn cầu sẽ tiếp tục thâm hụt 100.000 tấn trong niên vụ 2024-2025, trái ngược với dự báo cân bằng trước đó cũng như kỳ vọng thặng dư nhỏ của thị trường.
Đáng chú ý, trong niên vụ 2023-2024, thị trường ca cao toàn cầu đã rơi vào tình trạng thâm hụt nghiêm trọng do sản lượng giảm mạnh tại Bờ Biển Ngà và Ghana - hai quốc gia chiếm gần 70% sản lượng toàn cầu. Đây là nguyên nhân chính thúc đẩy giá ca cao tăng vọt trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Hiện tại, giá ca cao vẫn duy trì ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước do tình hình sản xuất tại các nước cung ứng chính chưa hoàn toàn phục hồi.
Diễn biến đáng chú ý khác, giá hai mặt hàng cà phê tăng nhẹ sau phiên điều chỉnh giảm trước đó. Cụ thể, giá cà phê Arabica tăng 0,60% lên 5.502 USD/tấn và Robusta tăng 1,25% lên 4.453 USD/tấn. Giá cà phê điều chỉnh do các yếu tố cơ bản và biến động tỷ giá USD/BRL.
Mặc dù chỉ số Dollar Index suy yếu nhưng đồng Real Brazil giảm mạnh hơn khiến tỷ giá USD/BRL neo tại mức cao nhất ba tuần. Điều này tạo áp lực khiến lực mua không thể chiếm ưu thế tuyệt đối, dẫn đến giá cà phê chỉ tăng nhẹ.
Về cơ bản, thị trường đang đón nhận các tín hiệu trái chiều. Một mặt, lượng mưa tại bang Minas Gerais thấp hơn 24% so với trung bình lịch sử trong tuần trước, làm dấy lên lo ngại về khả năng phục hồi mùa vụ, dự báo sản lượng cà phê vụ 2025-2026 của Brazil có thể tiếp tục giảm. Mặt khác, dự báo mưa sẽ tiếp diễn tại Brazil cùng với việc nước này đang đẩy mạnh xuất khẩu cà phê sau vụ thu hoạch 2024-2025 đã tạo niềm tin về nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó gây sức ép lên giá.
Trên thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ hiện dao động trong khoảng 109.000-109.600 đồng/kg. So cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê hiện cao gần gấp đôi từ mức 60.200-61.000 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng này đã tăng hơn 41.000 đồng/kg so với mức 67.500-68.400 đồng/kg. Thị trường vẫn đang chịu áp lực từ vụ thu hoạch đang diễn ra ở Việt Nam.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)