Bản tin thị trường hàng hóa

Bản tin TCKD ngày 28/11/2024: Thị trường bạch kim đối mặt với lo ngại thiếu hụt nguồn cung

Đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua (27/11), sắc đỏ quay trở lại thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới. Lực bán chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV-Index giảm gần 0,5% về mức 2.178 điểm.

Trên thị trường kim loại, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá, tuy nhiên phần lớn các mặt hàng đều biến động trong biên độ hẹp. Trong đó, giá bạch kim tăng nhẹ hơn 0,2% lên mức 931 USD/ounce, giá đồng phục hồi 0,4% lên mức 8.966 USD.

Theo MXV, mặc dù nhóm kim loại quý đang chịu áp lực do vai trò trú ẩn bị suy yếu, xung đột tại Trung Đông đang dần hạ nhiệt nhưng giá bạch kim vẫn tăng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. 

Theo Báo cáo cung – cầu quý III/2024 do Hội đồng Đầu tư Bạch kim (WPIC) vừa công bố, thị trường bạch kim toàn cầu dự kiến thiếu hụt 682 nghìn ounce trong năm nay. Sang năm 2025, thị trường bạch kim sẽ tiếp tục chứng kiến sự thâm hụt đáng kể, do nhu cầu tiêu thụ tăng cao vượt quá nguồn cung, đặc biệt là nhu cầu trong lĩnh vực ô tô dự kiến tăng lên mức cao nhất 8 năm. 2025 cũng là năm thứ ba liên tiếp thị trường bạch kim phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Bên cạnh đó, chỉ số Dollar Index suy yếu xuống mức thấp nhất trong vòng hai tuần trở lại đây cũng hỗ trợ cho đà tăng cho giá bạch kim trong phiên hôm qua.

Đối với mặt hàng đồng, rủi ro gián đoạn nguồn cung tại Peru đã hỗ trợ cho giá hồi phục trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Các cuộc biểu tình tại Peru, quốc gia sản xuất lớn thứ 3 thế giới, đang gây lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung đồng trên toàn cầu. Hàng ngàn thợ mỏ đã đổ xô ra chặn các tuyến đường cao tốc và cắm trại bên ngoài Tòa nhà Quốc hội để yêu cầu gia hạn chương trình cho phép hoạt động khai thác tạm thời. Nếu tình trạng đình công tiếp tục kéo dài, hoạt động khai thác có thể bị đình trệ, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đồng toàn cầu sẽ còn trầm trọng hơn. Đặc biệt là sau báo cáo gần đây của Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế cho thấy thị trường đồng đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung lần đầu tiên sau 7 tháng.

Sở Giao Dịch Hàng Hóa Việt Nam (MXV)