Bản tin thị trường hàng hóa

Sắc xanh bao phủ thị trường kim loại và năng lượng

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày 19/11. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng 0,21% lên 2.183 điểm. Đáng chú ý là thị trường kim loại khi có 8 trên 10 mặt hàng giá đồng loạt đi lên, trong đó bạch kim đã có phiên tăng thứ 4 liên tiếp, giá bạc phục hồi từ mức đáy trong vòng hai tháng. Bên cạnh đó, toàn bộ 5 mặt hàng năng lượng cũng ghi nhận đà tăng tích cực.

Giá bạch kim tăng phiên thứ 4 liên tiếp

Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, sắc xanh áp đảo bảng giá kim loại, tuy nhiên phần lớn các mặt hàng ghi nhận mức tăng khá hạn chế, không quá 1%. Đối với kim loại quý, giá bạc tiếp tục phục hồi từ mức đáy 2 tháng khi tăng nhẹ 0,12% lên hơn 31 USD/ounce. Giá bạch kim cũng tăng khoảng 0,4% lên hơn 978 USD/ounce, đánh dấu phiên tăng giá thứ tư liên tiếp.

Trong phiên giao dịch hôm qua, giá kim loại quý tiếp tục được hỗ trợ khi đà tăng của đồng USD chững lại giúp thị trường dần ổn định hơn. Chỉ số Dollar Index, một thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền ngoại tệ mạnh khác, tiếp tục suy yếu từ mức đỉnh một năm, chốt phiên ở mức hơn 106 điểm, đánh dấu phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp.

Bên cạnh đó, lo ngại căng thẳng Nga-Ukraine leo thang cũng khiến cho kim loại quý, một loại tài sản trú ẩn an toàn, trở nên hấp dẫn hơn, qua đó hỗ trợ cho giá bạc, bạch kim. Cụ thể, sau nhiều tháng chịu sức ép, cuối tuần qua, Chính quyền Biden đã tuyên bố Ukraine có thể sử dụng tên lửa tầm xa do Washington sản xuất để thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào lãnh thổ của Nga. 

Trước đó vào tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định rõ lập trường của Nga rằng, nếu các nước phương Tây chấp thuận để Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công Nga, điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ và các quốc gia NATO sẽ can dự trực tiếp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine. Theo nhận định của giới chuyên gia, động thái này có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa Mỹ-Nga và làm gia tăng căng thẳng giữa Nga-Ukraine vốn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đối với kim loại cơ bản, giá nhôm LME tăng 1,42% lên 2.644 USD/tấn, chủ yếu được hỗ trợ nhờ lo ngại về gián đoạn nguồn cung nguyên liệu thô. Tuần trước, Alcoa đã dừng các chuyến hàng vận chuyển bauxite, nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhôm, từ Cảng Juruti ở Brazil do một tàu bị mắc cạn. Điều này đang làm gia tăng thêm sự lo lắng trong một thị trường vốn đã lo ngại về gián đoạn xuất khẩu từ Guinea, quốc gia xu

Trong một diễn biến liên quan, BMI, một đơn vị phân tích của Fitch Solutions Group, mới đây đã dự báo giá nhôm dự kiến sẽ vẫn ở mức cao vào năm nay do nhu cầu tăng mạnh vượt xa nguồn cung. Công ty phân tích cho biết họ dự kiến nhu cầu nhôm sẽ tăng 3,2% lên hơn 70 triệu tấn vào năm 2024, thấp hơn so với mức tăng trưởng nguồn cung dự kiến là 1,9% lên hơn 70 triệu tấn. Theo đó, các nhà phân tích của BMI đã nâng dự báo giá nhôm trung bình năm 2024 lên 2.450 USD/tấn, từ 2.400 USD/tấn trong ước tính trước đó.

Thị trường dầu thô đón nhận thông tin trái chiều

Theo MXV, trong bối cảnh thị trường đón nhận những tin tức trái chiều, giá các mặt hàng dầu thô diễn biến tương đối giằng co trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Tuy nhiên, giá vẫn giữ được sắc xanh khi đóng cửa do thị trường vẫn còn lo ngại về tình hình tại Ukraine.

Giá dầu thô WTI ghi nhận mức tăng nhẹ 0,33% và đạt 69,4 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent đóng cửa ở mức 73,3 USD/thùng, nhích nhẹ 0,01% so với tham chiếu.

Sự thiếu hụt nguồn cung dầu trong ngắn hạn ở một số khu vực sản xuất lớn là yếu tố chính tác động "bullish" lên giá dầu trong phiên hôm qua. Tập đoàn Equinor của Na Uy đã tạm dừng hoạt động mỏ dầu Johan Sverdrup, mỏ dầu lớn nhất Tây Âu, do sự cố mất điện. Sự cố mất điện xảy ra sau khi có khói bốc lên từ một trạm biến áp trên bờ, nơi cung cấp điện cho dự án phát triển Johan Sverdrup. Tình hình nhanh chóng được làm rõ, nhưng dẫn đến việc tạm ngừng hoạt động trên toàn bộ mỏ. Phát ngôn viên của Equinor cho biết việc khắc phục sự cố đang được tiến hành, nhưng chưa rõ bao giờ hoạt động sản xuất ở mỏ sẽ được nối lại.

Bên cạnh đó, Bộ Năng lượng Kazakhstan cho biết sản lượng tại mỏ dầu lớn nhất đất nước là Tengiz đã giảm 28 - 30% do hoạt động bảo dưỡng. Sản lượng hiện tại ở mỏ chỉ đạt khoảng 61.000 - 63.000 tấn/ngày. Dự kiến quá trình bảo dưỡng sẽ kết thúc vào ngày 23/11 tới.

Sự sụt giảm xuất khẩu dầu của Nga cũng góp phần hỗ trợ giá dầu thô. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, xuất khẩu dầu bằng đường biển của nước này trong tuần kết thúc ngày 17/11 đạt 2,83 triệu thùng/ngày, giảm tới 740.000 thùng/ngày so với một tuần trước và là mức thấp nhất trong vòng 4 tháng.

Ở chiều ngược lại, việc tồn kho dầu thô Mỹ bất ngờ tăng mạnh đã gây áp lực và thu hẹp đà tăng của giá. Viện Dầu khí Mỹ báo cáo, tồn kho dầu thô của nước này trong tuần kết thúc ngày 15/11 tăng mạnh 4,75 triệu thùng, so với mức giảm 0,77 triệu thùng của một tuần trước và vượt qua kỳ vọng tăng 0,8 triệu thùng của giới phân tích.

 Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)